Hiện nay, công an các địa phương đang cho công dân kê khai “Phiếu thu thập thông tin dân cư” (DC01) để phục vụ công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý bằng số hóa. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) là bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng mã số định danh cá nhân. Điều này đang được dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn những thắc mắc liên quan đến vấn đề bỏ sổ hộ khẩu và kê khai DC01 như thế nào cho đúng.
Sắp tới, sẽ bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Ảnh minh họa |
Giảm tải rất nhiều thời gian, công sức cho người dân
PV ĐS&PL đã liên hệ với cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 bộ Công an) để giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề trên.
Theo đó, đại diện C06 cho biết: Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thay đổi hình thức quản lý sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân. Đối với Nhà nước, sẽ góp phần đảm bảo quản lý công dân chặt chẽ hơn, thực chất hơn, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.
Cũng theo vị cán bộ trên, theo rà soát, thống kê hiện nay có 39 thủ tục hành chính mà người dân bắt buộc phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc bản sao mới có thể giải quyết theo quy định của pháp luật. Do đó, sau khi tất cả công dân có mã số định danh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn chỉnh và kết nối với các bộ, ngành thì sẽ xóa bỏ tất cả các thủ tục hành chính nói trên. Hơn nữa, trên thực tế hiện nay, có một số cán bộ khi tiếp công dân đã cố tình gây phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng vặt... Vì vậy, khi dữ liệu công dân được số hóa, minh bạch, công khai sẽ hạn chế tối đa tình trạng này.
Trả lời câu hỏi đối với việc nhiều người dân đang hiểu rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy tức là bỏ công tác quản lý cư trú, bỏ quản lý theo hộ, vị đại diện C06 giải thích: Hiểu như vậy là chưa đúng, việc quản lý cư trú vẫn phải đảm bảo, chỉ thay từ hình thức quản lý thủ công bằng quản lý điện tử. Khi có thay đổi về nơi tạm trú, thường trú, người dân sẽ kê khai thông tin để cơ quan chức năng cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyển hồ sơ vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu, lưu theo quy định.
Bỏ sổ hộ khẩu, sẽ giảm bớt thủ tục phiền hà cho người dân. Ảnh: D.M |
Một số trường hợp đặc biệt sẽ kê khai DC01 như thế nào?
Liên quan đến những thắc mắc của người dân xung quanh việc kê khai “Phiếu thu thập thông tin dân cư” (DC01), đại diện C06 giải thích: Về nguyên tắc, công dân sẽ kê khai ở nơi có hộ khẩu thường trú. Ngoài ra, người dân cũng có thể kê khai ở nơi tạm trú, công an cơ sở sẽ thu phiếu DC01, nhưng không nhập dữ liệu mà gửi phiếu đó về nơi công dân có hộ khẩu thường trú. Khi đó, công an nơi thường trú sẽ đối chiếu thông tin và xác nhận, rồi chuyển phiếu DC01 đến cán bộ nhập liệu để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo thẩm quyền.
Còn đối với những trường hợp đang sử dụng cả 3 loại giấy tờ (giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và CMND/CCCD) đều không có ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì công an địa phương sẽ hướng dẫn công dân đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của công dân để giải quyết bổ sung ngày, tháng sinh. Sau khi công dân đã thực hiện việc bổ sung ngày, tháng sinh thì công an khu vực hoặc công an viên mới tiến hành thu thập thông tin dân cư và hướng dẫn công dân hoàn thiện thủ tục đề nghị bổ sung ngày, tháng sinh vào sổ hộ khẩu và CCCD.
Đối với người dân có đăng ký thường trú nhưng đi vắng khỏi nơi thường trú mà chưa đăng ký tạm trú ở nơi khác thì thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm khai hộ. Người khai hộ phải ký, ghi rõ là “Người khai hộ”, chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin khai phiếu.
Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt như người không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; người khuyết tật; trẻ em dưới 14 tuổi; người không biết chữ, không biết tiếng Việt thì yêu cầu người đại diện theo pháp luật hoặc người kê khai hộ kê khai thông tin, ký xác nhận, ghi rõ mối quan hệ với người được thu thập thông tin.
Trường hợp vắng mặt cả hộ hoặc người trong hộ không xác định được công dân đang cư trú tại đâu thì không tiến hành thu thập thông tin về công dân.
Hương Lan - Nguyễn Hường
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (108)