Khi chủ quán bida nhất quyết không cho nợ 30.000 đồng, Nghiêm tức tối về nhà lấy xăng rồi quay lại tạt vào người ông Hùng, châm lửa đốt.
Theo báo Dân Việt, Công an phường Yên Đỗ TP. Pleiku (Gia Lai) cho biết hiện đơn vị đã tạm giữ, lấy lời khai đối tượng tạt xăng đốt chủ quán bida vì không được cho thiếu nợ 30.000 đồng.
Đối tượng Nghiêm, người tạt xăng đốt chủ quán bida - Ảnh: báo Lao Động |
Thông tin đăng tải trên báo VnExpress cho hay, chiều 23/2, Huỳnh Hữu Nghiêm (36 tuổi) cùng nhóm bạn đến chơi bida tại quán ở phường Yên Đỗ, TP Pleiku (Gia Lai) do ông Hồ Văn Hùng làm chủ. Nhóm thanh niên thiếu 30.000 đồng nhưng chủ quán kiên quyết không cho nợ.
Lời qua tiếng lại một lúc, Nghiêm chạy về nhà xách can xăng quay lại quán tạt vào người ông Hùng, châm lửa đốt. Người nhà nhanh chóng dùng bình cứu hỏa dập lửa rồi đưa nạn nhân đi cấp cứu trong tình trạng bỏng khắp cơ thể.
Ông Hùng đang được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng - Ảnh: báo Dân Việt |
Cùng đưa tin về vấn đề này, báo Giao thông dẫn lời một nhân chứng có mặt tại hiện trường: “Hắt xăng, châm lửa xong thì đối tượng chạy nhanh ra ngoài. Em nhanh chóng lấy bình cứu hoả xịt vào người ông Hùng. Chỉ 2 phút sau áo quần của ông Hùng cháy sạch"
Tại hiện trường, lực lượng chức năng công an TP. Pleiku tiến hành phong toả để tiến hành điều tra, xử lý vụ việc.
Sau khi sự việc xảy ra, đối tượng Nghiêm được người nhà đưa đến cơ quan công an phường Yên Đỗ để đầu thú và trình báo.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)