Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính đưa ra có sự điều chỉnh về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng.
Mới đây, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp, trong đó có mặt hàng xăng (trừ ethanol), thuế môi trường dự kiến được điều chỉnh tăng lên mức 3.000- 8.000 đồng/lít.
Chia sẻ trên Báo Tin Tức, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng mức tăng này về thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) từ 3.000 – 8.000 đồng là quá cao, mức tăng này là quá đột ngột, trên 100% và là không nên.
Theo ông Doanh, trước hết, chúng ta cần thấy rằng nếu tăng phí BVMT như vậy thì hiện nay trên 1 lít xăng đã có 8.800 đồng thuế và phí rồi. Bây giờ cộng thêm 5.000 đồng các loại thuế, phí khác nữa thì thành ra 12.800 đồng/lít là gánh nặng quá lớn. Như vậy giá xăng sẽ cao hơn hẳn giá xăng khu vực, như vậy buôn lậu xăng sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng sẽ làm cho chi phí đầu vào của tất cả các doanh nghiệp (DN), nhất là DN xây dựng, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, máy bay... sẽ tăng lên. Điều này sẽ đóng góp cho lạm phát và tăng thêm chi phí cho người dân và DN. Quốc hội nên xem xét cẩn trọng và tôi kiến nghị không thể chấp nhận mức tăng từ 3.000 – 8.000 đồng/lít xăng được.
Tăng thuế phí môi trường đối với xăng dầu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. |
Đồng quan điểm lo ngại trước tình trạng tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng xầu, PGS-TS Định Trọng Thịnh chia sẻ trên Báo Dân Việt rằng, cần có lộ trình tăng thuế xăng dầu sao cho hợp lý, nếu không sẽ tác động tới người tiêu dùng do giá tất cả các sản phẩm dịch vụ tăng, thậm chí là làm ảnh hưởng tới cả nền kinh tế đang trong quá trình tái cấu trúc.
Thực tế cho thấy, hiện ở các nước phát triển, việc sử dụng xăng dầu cho các phương tiện đi lại bị đánh thuế rất lớn. Thông thường, thuế mua ôtô ở các nước khác giá rất rẻ, nhưng chi phí thuế cầu đường, bảo vệ môi trường rất cao. Còn ở Việt Nam, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện cũng vẫn còn thấp, dù đã được điều chỉnh trong những năm gần đây.
Do đó, việc đề xuất của Bộ Tài chính nâng thuế bảo vệ môi trường để vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, vừa bảo vệ môi trường cũng là hợp lý. Khi đánh thuế cao, người dân sẽ sử dụng ít xăng dầu hơn, tạo ra cơ sở để cơ quan có thẩm quyền có biện pháp giảm thiểu thiệt hại, phục hồi môi trường. Do đó, đây là một trong những loại thuế được nhiều nước trên thế giới ủng hộ.
Tuy nhiên, việc đánh thuế cũng phải phù hợp với sức chịu đựng của người tiêu dùng đối với các loại hàng hóa đó. Thuế xăng dầu cũng phải tiến tới hình thành lên nguồn thu riêng, với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại cho môi trường, đảm bảo thu chi được công khai, minh bạch.
Tổng hợp