TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trong vụ án thất thoát 543 tỷ đồng xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ vào ngày mai (15/3).
Hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: VTC News |
Liên quan đến vụ án thất thoát hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, theo VTCNews, dự kiến 16h ngày 15/3, TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án các bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí - PVC) cùng 10 đồng phạm khác.
Trong đó, các bị cáo sau bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Đinh La Thăng, Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB), Trần Thị Bình (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Phạm Xuân Diệu (nguyên Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Dũng (nguyên Phó tổng Giám đốc PVC), Đỗ Văn Quang (nguyên Trưởng ban Kinh tế PVC), Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Phó phòng Đầu tư PVB), Khương Anh Tuấn (nguyên Phó phòng Thương mại PVB), Lê Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVB), Hoàng Đình Tâm (nguyên Kế toán trưởng PVB).
Bị cáo Đỗ Văn Hồng (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về cả 2 tội danh trên.
Trong 5 ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND TP.Hà Nội cho rằng, các bị cáo vi phạm quy định khiến dự án dừng hoạt động, xâm phạm quyền quản lý kinh tế của Nhà nước, gây mất niềm tin của người dân vào Nhà nước.
Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho PVB.
Bị cáo Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, mặc dù biết liên danh PVC không đủ năng lực nhưng vẫn đề ra chủ trương giao PVC thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ. Trong vụ án, bị cáo Thăng có vai trò chính, vừa đề ra chủ trương vừa chỉ đạo cấp dưới thực hiện.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch PVC dù biết rõ liên danh không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu tại Ethanol nhưng vẫn thực hiện chủ trương của bị cáo Đinh La Thăng để ban hành nghị quyết đồng ý thực hiện dự án với giá hơn 59 triệu USD trong 18 tháng. Trong việc này, bị cáo Thanh là đồng phạm tích cực, phạm tội lệ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên.
Đối với hành vi mua đất tại Tam Đảo, VKS xác định Trịnh Xuân Thanh cố tình vi phạm các quy định trong Luật Doanh nghiệp để chuyển tiền cho PVC Kinh Bắc, gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC. Trong việc này, bị cáo Thanh có vai trò chính, chủ mưu.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa sơ thẩm phạt bị cáo Đinh La Thăng từ 12-13 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp với các bản án trước đó là 30 năm tù.
Cùng tội danh trên, bị cáo Vũ Thanh Hà bị đề nghị tuyên từ 7-8 năm tù, Trần Thị Bình từ 2-3 năm tù, Nguyễn Xuân Thủy từ 3-4 năm tù, Phạm Xuân Diệu từ 5-6 năm tù, Nguyễn Ngọc Dũng từ 4-5 năm tù, Đỗ Văn Quang từ 3-4 năm tù. Khương Anh Tuấn, Lê Thanh Thái và Hoàng Đình Tâm cùng bị đề nghị tuyên từ 30-36 tháng tù.
Theo báo Pháp luật Việt Nam, tại phiên tòa xét xử hôm 12/3, được nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng vẫn cho rằng bản thân không có vụ lợi; tất cả việc làm, chỉ đạo của bị cáo để cụ thể hóa chủ trương.
Bị cáo Thăng cũng có lời xin cho bị cáo Trần Thị Bình và cho rằng đây là “người có năng lực, nhiều thành tích, hiệu quả công việc cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn” và “mong HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho chị Bình”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận đã “mắc rất nhiều lỗi lầm” nhưng vẫn cho rằng tại dự án này không hề hưởng lợi, không sai phạm.
Bị cáo Vũ Thanh Hà cho rằng không làm thất thoát gì trong vụ án và cũng đã từng phản đối dự án, vì vậy bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét kỹ tình tiết giảm nhẹ để tuyên án với bị cáo.
Bạch Hiền (t/h)