Quá trình thẩm vấn các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ, nhiều bị cáo đã quanh co, đùn đẩy trách nhiệm trong khi trước đó vừa dành cho nhau những lời tung hô “có cánh”.
Bị cáo buộc là người tiếp tay cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty VTC online) và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CNC), lần lượt ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát bộ Công an) và ông Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50) bước lên trả lời thẩm vấn.
Ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa cùng hầu tòa về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. |
Cả hai ông này khi được hỏi về mối quan hệ của mình đều khẳng định là quan hệ đồng chí, cấp trên cấp dưới, anh em luôn quý mến, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong công việc. Thậm chí, ông Hóa còn dùng những lời “có cánh” với sếp của mình: “Anh Vĩnh là một con người thông minh quyết đoán, không tiếc máu xương mình trong quá trình đấu tranh tội phạm. Vì vậy mà tôi rất tôn trọng, ngưỡng mộ anh ấy”.
Thế nhưng, khi đi vào chi tiết từng hành vi phạm tội lại thấy, gần như hai ông này đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Ông Nguyễn Thanh Hóa tại phiên tòa sơ thẩm. |
Liên quan đến sự ra đời của công ty bình phong CNC, ông Vĩnh cho rằng từ thời điểm 10/10/2011, ông đã có bút phê vào biên bản ghi nhớ theo ý kiến của lãnh đạo cấp trên và sau đó Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa thông báo đã ký hợp tác với CNC. Ông Vĩnh khẳng định: “Về mặt pháp lý, trách nhiệm thuộc Cục trưởng C50”.
Trả lời về vai trò của mình trong vụ án, ông Phan Văn Vĩnh cho rằng: “Với chức vụ là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an, là người đứng đầu cơ quan được Nhà nước giao cho trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm, tôi chỉ chỉ đạo định hướng chứ không phải là cầm tay chỉ việc, bởi tôi còn rất nhiều việc khác cần phải giải quyết, trong đó có tình hình tội phạm liên tục xảy ra trong đời sống hàng ngày”.
Về phía ông Hóa lại phủ nhận CNC là công ty bình phong của C50 cũng như không thừa nhận việc được cấp dưới báo cáo về việc phát hiện công ty CNC có dấu hiệu tổ chức đánh bạc.
Theo lời ông Hóa khai tại tòa thì văn bản ghi nhớ được ký ngày 10/10/2011 với công ty CNC không có giá trị pháp lý, C50 có thể thực hiện hoặc không thực hiện do trước đó chưa có tiền lệ. Và ông này không thừa nhận công ty CNC là công ty nghiệp vụ của C50.
Ông Phan Văn Vĩnh |
Trả lời một câu hỏi của VKS, ông Hóa tiếp tục “phủi” trách nhiệm: “Sau khi ký biên bản ghi nhớ với công ty CNC, từ năm 2011 đến năm 2015, chúng tôi không có trách nhiệm gì với công ty CNC”.
Trước sự quanh co, không thừa nhận CNC là công ty bình phong của C50 và cho rằng không hề có trách nhiệm với “đứa con” này, VKS đã công bố Công văn 1090/C50-P1 ngày 07/8/2012 về việc đề xuất sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám phục vụ công tác nghiệp vụ.
Nội dung công văn thể hiện: “C50 có bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (CNC) và đề xuất sử dụng tầng 4 để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ”. Dẫn chứng này thể hiện việc ông Nguyễn Thanh Hóa vẫn hỗ trợ, tạo điều kiện cho công ty CNC hoạt động.
Trước đó, cũng câu hỏi liên quan đến việc tại sao cho CNC thuê địa chỉ tại số 10 Hồ Giám để hoạt động? Ông Phan Văn Vĩnh trả lời: “Trụ sở số 10 Hồ Giám là căn hộ được bộ Công an giao cho tổng cục bảo quản. Tổng cục giao cho cục Chính trị hậu cần quản lý, tu bổ. Đây gần như căn hộ nhỏ, không phải trụ sở. Bị cáo thấy số 10 Hồ Giám là căn hộ nhỏ lẻ, có thể cho thuê. Khi C50 và CNC đề nghị cho thuê, bị cáo cho rằng đó là giải pháp hợp lý để CNC làm bình phong".
Để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, hôm nay HĐXX tiếp tục xét hỏi.