Bị cáo buộc phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ông Phan Văn Vĩnh cho rằng: “Với chức năng là người đứng đầu cơ quan được Nhà nước giao cho trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm, tôi chỉ chỉ đạo định hướng chứ không phải là cầm tay chỉ việc…”.
Ngày 20/11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ và các luật sư tiếp tục xét hỏi ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát – bộ Công an để làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa sơ thẩm |
Theo đó, về việc thành lập công ty bình phong, bộ Công an đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-BCA, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó quy định cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có nhiệm vụ, quyền hạn được thành lập công ty bình phong để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ.
Một câu hỏi là C50 có được thành lập công ty bình phong hay không? Ông Vĩnh khẳng định, căn cứ theo quyết định của bộ Công an và nhu cầu của đơn vị thì cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có đủ điều kiện để thành lập công ty bình phong.
Tuy nhiên, nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh trong suốt phần thẩm vấn từ hôm qua tới nay đều thừa nhận bản thân có lỗi, (ông Vĩnh nhận mình có lỗi cố ý gián tiếp) trong vụ án này khi ký và trình một số văn bản cho công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) được hoạt động dưới danh nghĩa đơn vị nghiệp vụ của bộ Công an.
Trả lời về vai trò của mình trong vụ án, ông Vĩnh cho rằng: “Với chức vụ là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an, là người đứng đầu cơ quan được Nhà nước giao cho trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm, tôi chỉ chỉ đạo định hướng chứ không phải là cầm tay chỉ việc, bởi tôi còn rất nhiều việc khác cần phải giải quyết, trong đó có tình hình tội phạm liên tục xảy ra trong đời sống hàng ngày”.
Trong số rất nhiều văn bản, tờ trình mà ông Phan Văn Vĩnh đã chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa về việc thành lập công ty bình phong, ông Vĩnh có ký vào Công văn số 1574/C41-C50 ngày 23/5/2016 để gửi lên lãnh đạo đơn vị cấp cao hơn về việc triển khai thực hiện lộ trình phát triển công ty CNC và đề xuất: "Giao tổng cục Cảnh sát làm việc với bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép hoạt động thí điểm mô hình cổng trò chơi trên mạng cho công ty CNC".
Tuy nhiên, khi chưa có ý kiến của lãnh đạo cấp trên thì cùng ngày, ông Phan Văn Vĩnh ký tiếp Công văn số 1575/C41-C50 gửi bộ Thông tin và Truyền thông: "Đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho cổng trò chơi trên mạng của công ty CNC".
Ngày 31/5/2016, đơn vị cấp trên có văn bản trả lời không đồng ý đề xuất với nội dung tại Công văn số 1574/C41-C50 và cho ý kiến chỉ đạo: "Tổng cục Cảnh sát đề xuất công tác quản lý và đấu tranh với loại tội phạm này trên mạng".
Nhưng công văn số 1575/C4-C50 ngày 23/5/2016 do ông Phan Văn Vĩnh ký đã được Nguyễn Văn Dương gửi đến bộ Thông tin và truyền thông xin được cấp giấy phép hoạt động cho cổng trò chơi trên mạng có tích hợp mạng xã hội của công ty CNC.
Tuy nhiên, về nội dung này, ông Vĩnh trả lời trước tòa rằng đã không làm văn bản gửi bộ Thông tin và Truyền thông để xin rút lại Công văn 1575 mà Nguyễn Văn Dương đã gửi lên trước đó.
Ông Nguyễn Thanh Hóa |
Tiếp tục làm rõ một nội dung khác nêu trong cáo trạng: “Sau khi biết công ty CNC liên kết với công ty VTC Online vận hành game bài Rikvip là tổ chức đánh bạc, nhưng ông Phan Văn Vĩnh đã không báo cáo theo yêu cầu và cũng không chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra xác minh để xử lý”, luật sư hỏi: “Có thế lực nào ép buộc ông không báo cáo về việc này hay không?”.
Ông Phan Văn Vĩnh khẳng định lại một lần nữa: “Bản thân tôi và tổng cục Cảnh sát không hề có bất kỳ một thế lực bên ngoài nào ép buộc”.
Tiếp đến, HĐXX yêu cầu ông Phan Văn Vĩnh làm rõ việc tại sao không ký nhưng lại có bút phê vào văn bản 3229 và lại để cho ông Nguyễn Thanh Hóa ký?
Giải thích nguồn gốc văn bản này, ông Phan Văn Vĩnh nói, cuối tháng 11/2016, ông Hóa chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn với danh nghĩa tổng cục Cảnh sát trình ông Phan Văn Vĩnh ký báo cáo Bộ trưởng bộ Công an.
Trong công văn có đề xuất: “Cho phép tổng cục Cảnh sát chỉ đạo công ty CNC: ...(2) Tiếp tục vận hành cổng trò chơi đổi thưởng...; (3) Làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để xin cấp phép thí điểm chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang ví điện tử của công ty nhằm đảm bảo bí mật thông tin người dùng, nắm bắt dòng tiền luân chuyển trên thị trường; (4) Sử dụng nguồn thu từ hoạt động thí điểm trên tiếp tục đầu tư xây dựng Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng đồng thời tạo thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ nâng cao đời sống cho cán bộ chiến sỹ”.
Tuy nhiên, ông Vĩnh khai không ký vào văn bản này vì đã phát hiện có 96 "con game", trong đó cũng đang có dư luận xấu về CNC, bản thân lại sắp về nghỉ chế độ nên không ký. “Tôi đã chỉ đạo tấn công, bóc gỡ các con game này, không ngoại trừ CNC”, ông Vĩnh cho biết.
Ông Vĩnh khai lý do có bút phê vào văn bản trong công văn ông Hóa trình lên là để tránh tình trạng vượt cấp, trước khi ông Hóa gửi lên đơn vị cấp cao hơn.
Dù không ký công văn 3229, nhưng ông Vĩnh có bút phê cụ thể: “Chuyển Cục trưởng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ký báo cáo Bộ trưởng”. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Thanh Hóa ký ban hành Văn bản số 3229/C50-P1 ngày 30/11/2016 nhưng không trình Bộ trưởng bộ Công an.
Song, suy cho cùng, chính bởi hành vi tiếp tay của mình nên mới dẫn đến hậu quả nặng nề như ngày hôm nay, ông Phan Văn Vĩnh một lần nữa tỏ ra day dứt trước hậu quả mà ông cùng các bị cáo khác gây ra trong vụ án này, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.
Tuy nhiên, ông chỉ nhận bản thân có lỗi cố ý gián tiếp, trước đó từng quán triệt, chỉ đạo cấp dưới kiên quyết bóc gỡ, triệt phá khi phát hiện các "con game", trong đó có CNC nên mong HĐXX và VKS soi xét từng chứng cứ trong vụ án, từ đó cân nhắc trong quá trình lượng hình.
Tư Viễn
Theo Người Đưa Tin