+Aa-
    Zalo

    Xét tuyển ĐH, CĐ 2015: Nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT đồng loạt lên tiếng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trước những bất cập trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 bộc lộ ở phần xét tuyển, các vị nguyên là lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã lên tiếng.

    Trước những bất cập trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 bộc lộ ở phần xét tuyển, các vị nguyên là lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã lên tiếng.

    Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia đầu ngành giáo dục, đều là những nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT để đánh giá về bức tranh về tuyển sinh năm nay.

    Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ những lo ngại về "hậu" kỳ thi THPT Quốc gia 2015.

    Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ: Tại sao Bộ cứ phải ôm đồm cho mệt mỏi?

    Nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi "hai trong một" như thế này thì ngành giáo dục vẫn mãi ôm những rắc rối tiếp theo mà không bao giờ gỡ bỏ được. Bộ GD&ĐT còn ôm đồm, quyết định mọi thứ về thời gian thi, thời gian nộp hồ sơ, chấm điểm... thì không bao giờ thoát khỏi những vướng mắc.

    Nói tóm lại, như Thủ tướng đã phát biểu trong một hội nghị gần đây là Bộ GD&ĐT hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót trong kỳ thi này để năm sau được tốt hơn. Với kỳ thi năm nay cũng không còn cách nào khác vì rối rắm quá rồi. Chỉ hy vọng dựa trên những khó khăn gặp phải của năm nay, các lãnh đạo Bộ sẽ rút kinh nghiệm để những khó khan được khắc phục.

    Nếu cải cách, thay đổi để tốt hơn thì tôi nghĩ, Bộ nên lưu tâm những điều sau:

    Thứ nhất, Bộ hãy mạnh dạn giao kỳ thi THPT này cho tất cả các Sở GD&ĐT và chính quyền ở địa phương. Vì việc học tập của học sinh suốt 12 năm là do Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm. Vậy nên, việc của Bộ là làm thế nào để ra một bộ đề thi phù hợp với trình độ của thí sinh. Hơn nữa, Bộ cũng cần tăng cường lực lượng để giám sát khi kỳ thi diễn ra tại địa phương để kết quả thi được chính xác.

    Thứ hai là, Bộ nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ chỉ vì một lí do đơn giản, trường họ đào tạo, thì họ biết mình cần làm gì để có được chất lượng đào tạo tốt nhất. Vì vậy, hãy để cho họ quyền quyết định. Tôi chỉ lấy một ví dụ đơn giản, bây giờ chúng ta muốn có một đồ vật đẹp và chất lượng, chúng ta chỉ cần giao cho chính nhà sản xuất. Chỉ nhà sản xuất mới hiểu được họ cần những nguyên liệu gì để tạo ra sản phẩm được yêu cầu và đảm bảo tiêu chuẩn. Tại sao Bộ cứ phải ôm đồm làm chi cho mệt mỏi như vậy?

    Một điều rất cần Bộ phải làm tốt đó là, Bộ phải làm tốt chương trình hướng nghiệp cho học sinh ngay trong trường THPT. Cho đến giờ phút này, học sinh của chúng ta còn chưa biết mình đi đâu, về đâu, rút đơn loạn lên và rồi hoang mang không biết nộp vào trường nào cho hợp lý.

    Một điều rất quan trọng mà nền giáo dục nước ta đang thiếu đó là làm thế nào để tăng cường tình yêu nghề của sinh viên ngay trong trường ĐH, bởi vì điểm cao không nói lên chất lượng đào tạo.

    Đó là những nguyên tắc cơ bản để chúng ta có thể khắc phục được những “mớ canh hẹ" trong ngành giáo dục như hiện nay. Điều sai lầm trong nền giáo dục bây giờ không thể chữa được, càng chữa thì càng sai trong giai đoạn này, càng chữa càng tạo ra sự bất cập. Vì vậy, hãy định hướng và có lối điều chỉnh đúng đắn để khắc phục.

    GS.Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam: Tôi không đồng tình!

    Tôi không tán thành phương thức "hai trong một". Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức cho riêng yêu cầu này thôi. Còn việc tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ nên để các trường chủ động với nhiều phương thức khác nhau, thế mới thích hợp cho từng trường, từng ngành. Bộ không nên can thiệp làm thay, vì sẽ nảy sinh việc không sát hợp và rối rắm như thực tế năm nay.

    GS.Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

    Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, chúng ta không nên trở lại "ba chung" dưới bất cứ hình thức nào. Chính Bộ cũng đã hứa từ nhiều năm trước sẽ từ bỏ điều này để giao quyền chủ động cho các trường. Sau kỳ thi "hai trong một" năm nay, cần tổng kết và tìm phương thức hợp lý hơn.

    Đó là chỉ nói về cách thức thi cử, còn việc quy định môn thi như năm nay mà tiếp tục các năm sau thì chắc chắn xảy ra tình trạng học lệch nghiêm trọng ở phổ thông.

    Nếu tổ chức như năm nay sẽ không chỉ khó cho thí sinh mà còn khó cho các trường. Các trường sẽ khó khăn trong việc cho học sinh rút hồ sơ, số lượng thí sinh không ổn định khi rút xong lại đăng kí đợt 2, đợt 3. Còn thí sinh sẽ “khổ sở” khi chờ đợi được rút hồ sơ, đợi điểm…nói chung rất nhiều bất cập.

    Khi Bộ GD&ĐT can thiệp vào như hiện nay lại biến thành kì thi ba chung (đề chung, chấm chung, điểm sàn chung). Thậm chí còn rối ren hơn cả kì thi ba chung mà trước đó đã đề xuất bỏ đi. Tóm lại, tôi không đồng tình tiến hành kỳ thi “hai trong một” và “ba chung” như hiện nay.

    GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Làm gì cũng có vướng mắc khó khăn

    Diễn biến của kỳ thi THPT Quốc gia cũng như việc thí sinh nộp hồ sơ với 4 nguyện vọng vào các trường Đại học, Cao đẳng nhìn chung rất phức tạp. Đến hôm nay, báo chí vẫn đưa những khó khăn, bất cập của thí sinh khi nộp hồ sơ, chờ điểm xếp hạng của mình và rút hồ sơ. Tuy nhiên, không phải trường nào thí sinh cũng vất vả nộp hồ sơ và rút hồ sơ.

    Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc cho rằng, không phải thí sinh nào cũng vất vả nộp hồ sơ.

    Mọi vấn đề nên chờ Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm chung. Có nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT đang lảng tránh vấn đề nảy sinh, không dám nhìn nhận vào thực tế. Tuy nhiên, theo tôi ý kiến đó là hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, khi đổi mới bằng cách gộp hai kỳ thi truyền thống thành kỳ thi THPT Quốc gia và để cho thí sinh 4 nguyện vọng ở đợt xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng là đang tạo cơ hội cho các thí sinh.

    Chúng ta phải biết rằng làm gì cũng có những khó khăn, vướng mắc khác nhau nảy sinh trong quá trình thực hiện. Tôi tin Bộ GD&ĐT vẫn đang làm với tinh thần trách nhiệm cao nhưng có khó khăn nhất định. Có vấn đề nảy sinh, Bộ GD&ĐT đều giải quyết chứ không bao giờ lảng tránh.

    Nhiều chuyên gia đầu ngành giáo dục đã không còn muốn bàn luận đến vấn đề giáo dục và tuyển sinh vì cho rằng, Bộ đã sai lầm. Thậm chí, một chuyên gia giấu tên đã thẳng thắng bày tỏ, cái sai của ngành giáo dục đã rõ rồi, nói mãi cũng… chán. Một số ý kiến thiên về quan điểm đợi qua đợt tuyển sinh, để Bộ tổng kết rồi mới bàn tiếp vì đây là giai đoạn nước rút của tuyển sinh, không nên để thí sinh hoang mang thêm nữa.

    Theo Nguoiduatin

    Xem thêm video:

    [mecloud]LPrbHLbnoT[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-tuyen-dh-cd-2015-nguyen-lanh-dao-bo-gddt-dong-loat-len-tieng-a106555.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.