+Aa-
    Zalo

    Xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Qua khảo sát cho thấy dư luận băn khoăn việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa.

    Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có Báo cáo kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017.

    Toàn cảnh phiên họp Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV (Sáng 27/10/2018). Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

    Lo ngại “độc quyền khép kín”

    Báo cáo đánh giá, thời gian qua, việc xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông thực hiện theo đúng quy trình: Bản thảo sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt, sẽ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức xuất bản, in và phát hành.

    Qua khảo sát cho thấy dư luận rất băn khoăn việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình.

    Việc chỉ có duy nhất một đơn vị được giao tổ chức xuất bản sách giáo khoa dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán sách giáo khoa, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành, đáp ứng yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.

    Bên cạnh đó, việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản sách giáo khoa không phù hợp với Luật Xuất bản 2012. Xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định sách giáo khoa.

    Báo cáo cũng chỉ rõ: Hoạt động in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản đáp ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời nhu cầu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên cả nước. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

    Cụ thể, việc in sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và những tên sách có số lượng in thấp.

    Theo số liệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tỷ lệ đấu thầu in trong năm 2016, 2017 là khoảng 70%. Cách thức như trên và kết quả đấu thầu trong thời gian qua cho thấy hoạt động in sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn khép kín, tính cạnh tranh chưa cao,... có thể dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.

    Đáng chú ý, tình trạng in lậu, in nối bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày càng lan rộng, tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng trong phân biệt thật, giả, phát hiện vi phạm; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, của nhà xuất bản và người tiêu dùng. Sách in lậu có chất lượng kém: hình ảnh bị mờ, chữ mất nét, không có các nội dung chỉnh sửa, bổ sung, gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học.

    Làm rõ việc Nhà xuất bản báo lỗ

    Theo Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sản lượng in sách giáo khoa giáo dục phổ thông những năm gần đây rất lớn, chỉ tính riêng năm 2017 là 107.807.120 bản sách/tổng sản lượng 312.000.000 bản in xuất bản phẩm cả nước, chiếm khoảng 30%; nếu tính cả sách tham khảo, sách mô hình trường học mới (VNEN) và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.

    Doanh thu từ bán sách giáo khoa giáo dục phổ thông những năm gần đây khoảng 1000 tỷ đồng/năm; lợi nhuận từ sách giáo khoa hằng năm tăng, năm 2016 là 72 tỷ đồng, năm 2017 là 150,8 tỷ đồng; mức chi chiết khấu phát hành là 25% (khoảng 250 tỷ đồng/năm) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên, lợi nhuận của các cơ sở in và các tổ chức, cá nhân liên quan khác, đồng thời mâu thuẫn với việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo lỗ liên tiếp ba năm gần đây. Đây là vấn đề cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ.

    Cũng theo báo cáo, trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần đã gây lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận xã hội.

    Qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc biên soạn, thiết kế sách giáo khoa chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với các “câu lệnh” để học sinh Điền/Viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn Đúng/Sai, Nối, Khoanh, Vẽ, Đánh dấu, Tô màu,… vào  nhiều cuốn sách giáo khoa trong khi đã có sách bài tập in sẵn bán kèm theo.

    Ngoài ra, chất lượng giấy in, đóng quyển sách giáo khoa giáo dục phổ thông một số môn chưa bảo đảm (giấy mỏng, nhanh cũ, dễ rách, màu tối, dễ bung bìa). Đặc biệt, việc chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa tuy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm nhưng công tác kiểm tra, đánh giá việc in, phát hành, sử dụng sách của Bộ chưa sát sao, quyết liệt để có điều chỉnh kịp thời.

    Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con em tại cửa hàng sách giáo dục 187 Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

    Hoàn thiện hệ thống chính sách về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa

    Từ thực tế giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, đặc biệt là sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm sửa đổi các quy định bất cập, bổ sung các quy định mới theo hướng đồng bộ, thống nhất, tạo lập môi trường pháp lý công bằng, có tính cạnh tranh, khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này.

    Trước mắt sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong Luật Giáo dục hiện hành về biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông phù hợp với Luật Xuất bản 2012, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội và hệ thống pháp luật hiện hành.

    Bên cạnh đó, xem xét tách việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; bổ sung quy định cụ thể liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, việc áp dụng phương pháp giảng dạy, tài liệu thí điểm trong hệ thống trường phổ thông (thời gian, địa bàn, cơ sở giáo dục, cấp học thí điểm).

    Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông mới; khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa tham gia đấu thầu rộng rãi in, phát hành và khai thác các bản thảo sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chính phủ cần kiên quyết xử lý các cơ quan nhà nước tham gia vào quá trình in lậu, in nối bản sách giáo khoa.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai tổng kết, đánh giá việc biên soạn, in, phát hành, sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, mô hình thí điểm VNEN và thực nghiệm tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

    Trên cơ sở đó kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, về thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục, đồng thời thông tin rộng rãi về kết quả tổng kết, đánh giá, tạo sự chia sẻ, đồng thuận trong ngành giáo dục, trong nhân dân và xã hội.

    Theo TTXVN/Báo Tin tức

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xem-xet-tach-viec-bien-soan-xuat-ban-sgk-khoi-chuc-nang-quan-ly-nha-nuoc-ve-giao-duc-a249112.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan