Dự án xe tăng “Karrar” của Iran có những mặt mạnh và yếu, nhưng sự tương quan của chúng rất xa mức hợp lý, do đó có thể dẫn tới những kết cục tồi tệ.
Vào mùa xuân năm 2017, ngành công nghiệp của Iran lần đầu tiên giới thiệu chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai “Karrar” (Tấn công). Có ý kiến khẳng định rằng, đến cuối năm thì cỗ máy này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt, còn trong vòng vài năm tới, quân đội và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sẽ tiếp nhận khoảng 800 chiếc xe tăng loại này.
Các kế hoạch đặt ra đã không được thực hiện, nhưng vấn đề cấp bách liên quan tới những thông số và năng lực của chiếc xe tăng tối tân nhất Iran vẫn còn đó.
Chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực “Karrar” được Iran tự nghiên cứu chế tạo, mặc dù thiết kế của nó dựa trên những giải pháp và thiết bị của khí tài quân sự Liên Xô hoặc Nga.
Các công tác thiết kế được triển khai trong vòng vài năm, tới tháng 3/2017 thì nguyên mẫu đầu tiên được giới thiệu với công chúng. Sau này, chiếc xe tăng sẽ phải đưa vào sản xuất hàng loạt, tuy nhiên thời hạn liên tục bị lùi lại.
Những ưu điểm
Việc sử dụng những ý tưởng mang tính “vay mượn” đã giúp cho cỗ xe tăng này có được hệ thống phòng vệ chống đạn đáng gờm. Thân xe và tháp pháo của “Karrar” có lớp bảo vệ liên hợp ở tiết diện mặt trước và được tăng cường thêm bởi các khối phòng vệ tích cực.
Lớp chống đạn phần đuôi và sườn xe được bao bọc bằng các tấm màn có hình lưỡi cắt.
Xe tăng chiến đấu chủ lực “Karrar” trên thao trường. Ảnh: Tasnimnews.com |
Các thông số chính xác của lớp bảo vệ liên hợp và tích cực của cỗ xe tăng không được công bố, và vì thế, có nhiều đánh giá rất khác nhau – từ quá đề cao cho tới hạ thấp vô căn cứ.
Nói chung, có đầy đủ cơ sở để phỏng đoán rằng, về mức độ phòng vệ, “Karrar” không hề thua kém một loạt các xe tăng chiến đấu chủ lực nước ngoài, như T-72 hoặc M1 phiên bản đời đầu, hoặc có thể so sánh với những mẫu hoàn thiện hơn.
Vũ khí chính của “Karrar” đó là khẩu pháo-ống phóng nòng trơn, sao chép lại sản phẩm 2А46(М) của Liên Xô/Nga. Cũng mới đây, Iran đã hoàn thành việc sao chép tổ hợp điều khiển vũ khí 9К119М “Reflex” với tên lửa 9М119М “Invar” của Nga và một vài loại đạn khác cấp cho khẩu pháo-ống phóng 125mm.
Khẩu pháo 2А46(М) của Nga còn bị Iran sao chép cả máy nạp đạn tự động, đồng thời phần lớn các đạn pháo được bố trí không ở bên trong xe, mà ở phần đuôi tháp pháo.
Theo các dữ liệu khác nhau, xe tăng chiến đấu chủ lực “Karrar” được trang bị hệ thống điều khiển hoả lực loại KAT-72 hoặc phiên bản cải tiến của nó. Nền tảng của hệ thống này là tổ hợp điều khiển hoả lực Fotona EFCS3-55 do Slovenia chế tạo, được Iran trước đây mua cho các xe tăng khác của mình.
Việc hoàn thiện hệ thống điện tử được thực hiện bằng nguồn lực trong nước, cũng như với sự hỗ trợ của những giải pháp do Trung Quốc cung cấp. Hệ thống điều khiển hoả lực do Iran tự chế tạo cho phép khai thác được tiềm lực của khẩu pháo-ống phóng tên lửa của cỗ xe tăng này.
Căn cứ vào những mối đe doạ và xu hướng đương đại, “Karrar” được trang bị modul chiến đấu kèm súng máy. Hệ thống điều khiển từ xa giúp nó triển khai khả năng tự phòng vệ mà không gây rủi ro cho tổ lái.
Điều thú vị là ở các thời điểm khác nhau, người ta lắp đặt các modul khác nhau trên các nguyên mẫu thử nghiệm. Tất cả những modul này đều có các thiết bị quan sát, mà nhiều khả năng, trong đó có cả ống ngắm toàn cảnh dành cho sĩ quan chỉ huy xe tăng.
Những điểmyếu
Một loạt những đường nét của xe tăng chiến đấu chủ lực “Karrar” có thể được coi như các đặc tính không đồng nhất, lẫn những khiếm khuyết.
Trong một vài trường hợp, những đánh giá này được đưa ra do thiếu các thông tin chính xác, nhưng trong các trường hợp khác, thì những vẫn đề có thể thấy khá rõ và thậm chí còn hiển nhiên.
Theo các nguồn tin nước ngoài, chiếc xe tăng Iran có thể được trang bị động cơ diezel phiên bản nội địa B-84, với công suất 840 mã lực. Trọng lượng chiến đấu ở mức 51 tấn, tương đương 16,5 mã lực/tấn. Vận tốc tối đa trên đường bằng là 65-70km/h.
Do công suất riêng thấp, có thể dẫn tới sự hạn chế về khả năng hoạt động của nó trên địa hình mấp mô. Để có được khả năng hoạt động tốt, ở mức độ các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, chiếc “Karrar” của Iran cần phải được trang bị động cơ với công suất không dưới 1000-1100 mã lực.
Theo đó, tạm thời Iran không thể chế tạo được động cơ này, vì thế, ngành công nghiệp xe tăng khó phát triển.
Ảnh: Wikimedia Commons |
Nhiều câu hỏi đặt ra đối với hệ thống điều khiển hoả lực và các cấu phần của nó. Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Iran đã phải hoàn thiện các hệ thống của nước ngoài bằng phụ tùng nhập khẩu.
Hệ thống điều khiển hoả lực trên “Karrar” là nguyên mẫu không tồi của nước ngoài, tuy nhiên không thể gọi nó là phiên bản hiện đại một cách đúng nghĩa.
Một vấn đề nghiêm trọng từ quan điểm những xu hướng hiện đại - đó là thiếu thiết bị phục vụ khả năng nắm rõ các thông tin diễn biến tình hình của sĩ quan chỉ huy xe tăng.
Để theo dõi diễn biến, sĩ quan chỉ huy có thể sử dụng kính tiềm vọng bố trí nóc tháp pháo, cũng như ống kính quang học của modul chiến đấu điều khiển từ xa. Tuy nhiên, sẽ thích hợp hơn nếu chiếc xe tăng được lắp đạt ống ngắm toàn cảnh đúng nghĩa.
Iran đã không thể sao chép hoàn toàn tổ hợp điều khiển vũ khí “Reflex-M” nên phải sử dụng một vài thiết bị đã lỗi thời của nó. Được biết rằng hệ thống điều khiển tên lửa đang được sử dụng trên “Karrar” không tích hợp với ống ngắm cảm nhiệt của hệ thống điều khiển hoả lực. Vì thế, sẽ tồn tại những giới hạn trong việc sử dụng tên lửa, điều sẽ làm giảm đi tiềm lực tổng thể của chiếc xe tăng.
Cần phải chỉ rõ rằng, những vấn đề cơ bản nhất của chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực “Karrar” liên quan không phải tới những giải pháp và thiết bị kỹ thuật. Như một dự án cụ thể, cũng như toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo xe tăng Iran đang gặp phải một loạt những khó khăn với bản chất là về công nghệ và sản xuất. Trong tình hình hiện nay, vì những hạn chế về kinh tế và công nghệ, Iran không thể sản xuất hàng loạt tất cả các mẫu vũ khí và khí tài như mong muốn.
Trong bối cảnh những triển vọng thực sự của chiếc xe tăng “Karrar”, có thể nhớ lại câu chuyện liên quan tới một đề án trước của Iran – “Zulfikar”. Những xe tăng chiến đấu chủ lực này đã được sản xuất hàng loạt vào năm 1996, sau đó chúng đã qua 2 lần nâng cấp.
Tuy nhiên, tổng số cả ba phiên bản của “Zulfikar” cho đến nay vẫn không vượt quá 250-300 chiếc. Nguyên nhân rất rõ cho thấy, tính phức tạp chung của hoạt động nghiên cứu chế tạo xe tăng đương đại và sự thiếu kinh nghiệm cần thiết đủ để phát triển các ngành.
Đương nhiên, kinh nghiệm nghiên cứu chế tạo “Zulfikar” và nâng cấp các xe tăng nhập khẩu đã tác động tích cực lên năng lực của ngành công nghiệp, nhưng không nên thổi phòng quá mức. Tiềm lực thực sự của ngành công nghiệp chế tạo xe tăng Iran được chứng minh bằng số phận của chính chiếc “Karrar”.
Cỗ xe tăng này đã được trình làng vào năm 2017 và khi đó người ta đã cam kết cho ra lò những cỗ máy sản xuất hàng loạt đầu tiên vào cuối năm. Đến giữa năm ngoái, các quan chức lại đề cập tới việc này. Cuối cùng, những tuyên bố tương tự từng được đưa ra vào tháng 1/2019.
Ảnh: Irna.ir |
Như vậy, đã hơn 2 năm trôi qua, cho đến nay công tác sản xuất vẫn chưa được triển khai. Thời hạn thực sự để xe tăng “Karrar” chính thức được sản xuất hàng loạt vẫn còn mờ mịt.
Dự án gây tranh cãi
Dự án chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực “Karrar” của Iran có những mặt mạnh và yếu, nhưng sự tương quan của chúng rất xa mức hợp lý, do đó có thể dẫn tới những kết cục buồn thảm.
Vào thời điểm hiện nay, không có bất cứ cơ sở nào để cho rằng kế hoạch sản xuất 800 chiếc xe tăng cung cấp cho các đơn vị bộ binh và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sẽ được thực hiện. Thời điểm thích hợp cũng không hề được nói tới.
Trong khuôn khổ dự án “Karrar”, ngành công nghiệp của Iran đã có thể chế tạo chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 của chính mình, trên cơ sở sử dụng nhiều thiết bị và công nghệ của các nước. Cỗ máy này có khả năng thực hiện được tất cả các nhiệm vụ chiến đấu cơ bản, tuy nhiên những khả năng thực sự của nó có thể bị hạn chế đáng kể. Không nên mang nó ra so sánh với các xe tăng kiểu mới hoặc những phiên bản nâng cấp hiện đại. “Karrar” có thể là đối thủ cạnh tranh xứng tầm, nhưng chỉ với các mẫu xe tăng cũ.
Từ đó, có thể đưa ra một vài kết luận cơ bản. Cần phải thừa nhận rằng, Iran có thể chế tạo chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực của mình, nhưng nó không thể được coi là cỗ máy hiện đại một cách đúng nghĩa và đáp ứng tất cả những yêu cầu hiện nay.
So sánh với các mẫu xe tăng tân tiến của những quốc gia hàng đầu thế giới, nó trông vẫn chưa đủ hoàn thiện. Bên cạnh đó, Iran không có năng lực thiết lập nhanh chóng hoạt động sản xuất mang tính quy mô toàn diện khí tài mới và bù đắp sự tụt hậu về chất lượng bằng số lượng.
Như vậy, dự án xe tăng chiến đấu chủ lực “Karrar” tạm thời có thể bị coi là thất bại. Nếu chiếc xe tăng này có thể đưa vào sản xuất hàng loạt và biên chế cho quân đội, thì có thể coi đó là sự thành công, nhưng rất hạn chế. Tuy nhiên, cả trong trường hợp đó, Iran tạm thời vẫn chưa thể cạnh tranh với các quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo xe tăng.
Với tất cả những vấn đề và khó khăn hiện có, ngành công nghiệp chế tạo xe tăng Iran vẫn tiếp tục công việc của mình. Sẽ có nhiều nỗ lực được đưa ra nhằm chế tạo và triển khai sản xuất những mẫu khí tài mới để tái trang bị vũ trang cho quân đội.
Kết quả của những nỗ lực này tạm thời vẫn còn nhiều điều phải cải thiện, nhưng mong muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình, nhằm đáp ứng những yêu cầu của các lực lượng vũ trang xứng đáng được ngợi khen.