(ĐSPL)- Lần đầu tiên tại đảo Lại Sơn một công trình có chiều dài đoạn đường dây 110 kV trên không vượt biển dài nhất Việt Nam (24,5km), được xây dựng.
Theo TTXVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngày 4/9, tại ấp Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) sẽ khởi công Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn.
Theo Công ty Tư vấn Điện miền Nam, Dự án cấp điện cho xã đảo Lại Sơn bao gồm 2 hạng mục gồm xây dựng mới đường dây 110 kV An Biên-Lại Sơn, chiều dài 43,9km (đoạn trên đất liền dài 19,4 km, đoạn trên biển dài 24,5 km), có công suất truyền tải 70 MVA, đồng thời xây dựng mới trạm biến áp 110kV Lại Sơn có quy mô công suất 50 MVA, trước mắt lắp đặt một máy 25MVA.
Dự án có khả năng cung cấp tối đa hàng năm lên đến hàng trăm triệu kWh, gấp nhiều lần so với năng lực cung cấp điện từ máy phát điện chạy diesel ở Lại Sơn hiện nay.
Dự kiến dự án cấp điện cho 1.956 hộ dân ở Lại Sơn vào dịp 30/4/2016. |
Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, ngoài huyện đảo Phú Quốc được cấp điện lưới quốc gia từ ngày 1/2/2014 bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển Hà Tiên-Phú Quốc dài 56 km; xã đảo Hòn Tre (trung tâm hành chính của huyện đảo Kiên Hải) được cấp điện lưới quốc gia từ ngày 10/2/2015 bằng đường dây 22 kV trên không vượt biển Thổ Sơn-Hòn Tre dài 13 km; các xã đảo còn lại của tỉnh đang sử dụng nguồn phát điện Diesel tại chỗ, năng lực cung cấp điện hạn chế, cũng như chi phí phát điện rất cao và không thân thiện với môi trường.
Ghi nhận của báo Tiền phong, ông Đặng Tùng Long- Chủ tịch UBND xã Lại Sơn cho biết, xã có 5 làng chài, tập trung đông dân cư sinh sống. Thủy sản là mũi nhọn kinh tế chủ yếu của xã, với hơn 85\% hộ dân làm nghề khai thác đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng bè trên biển và sản xuất nước mắm. Kinh tế thủy sản phát triển đã cải thiện đáng kể cuộc sống của cư dân trên xã đảo.
Lại Sơn đang tập trung xây dựng nông thôn mới. Ngoài xây dựng đường vòng quanh đảo dài 16 km, xã cũng đã và đang xây dựng đường trục ngang đảo dài 4,5 km và 2 cầu cảng Bãi Nhà, Bãi Bấc. Đến nay, 2 cầu cảng đã được đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 40 tỷ đồng phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản, vận chuyển hành khách, hàng hóa nhanh chóng, an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Đường vòng quanh đảo và đường trục ngang cũng đã hoàn thành, kết nối các điểm du lịch trên đảo, phục vụ giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng cho cư dân và khách du lịch đến đảo.
Ông Long còn cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt được hầu hết các tiêu chí nông thôn mới. “Khi có điện lưới quốc gia về đảo thì việc xây dựng nông thôn mới ở xã đảo Lại Sơn mới được xem là hoàn thành”- ông Long nói. Theo ông Long, khi biết tin điện lưới quốc gia sắp được đưa đến đảo, người dân trên đảo hết sức phấn khởi, hào hứng. Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy hải sản, đã rục rịch chuẩn bị những kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh mới và sẽ bắt tay vào ngay khi điện lưới chính thức ra đảo.
Theo ông Long, không chỉ phục vụ phát triển sản xuất, chế biến thủy hải sản, điện lưới còn là động lực thúc đẩy Lại Sơn đánh thức những tiềm năng du lịch còn đang ẩn mình thu hút khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá và chinh phục đảo Lại Sơn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đầu tư kéo đường điện trung áp nối lưới điện quốc gia ra các đảo gần bờ của tỉnh Kiên Giang, EVN SPC đã triển khai lập dự án đầu tư cấp điện cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang từ tháng 8/2014 để cấp điện cho 6.800 hộ dân cho 7 xã đảo của tỉnh Kiên Giang, bao gồm Hòn Heo, Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương); Hòn Đốc (thị xã Hà Tiên); Lại Sơn, An Sơn và Nam Du (huyện Kiên Hải); Hòn Thơm (huyện Phú Quốc).
Dự án được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn từ nay đến năm 2020 với tổng mức đầu tư 1.605 tỷ đồng, cung cấp điện cho 6.800 hộ dân.
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]R55bGpxqs0[/mecloud]