+Aa-
    Zalo

    Xây dựng Yên Phong thành thủ phủ sản xuất công nghiệp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Yên Phong được coi là thủ phủ Công nghiệp của Bắc Ninh. Nếu tỉnh Bắc Ninh nằm tại vị trí chiến lược trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh,....

    Yên Phong được coi là thủ phủ Công nghiệp của Bắc Ninh. Nếu tỉnh Bắc Ninh nằm tại vị trí chiến lược trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đang giữ vị thế là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, thì huyện Yên Phong là nơi tập trung nhiều KCN lớn hàng đầu tỉnh Bắc Ninh.

    “Tâm điểm vàng” 

    Với mục tiêu quy hoạch là xây dựng đô thị Yên Phong đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm cơ sở thành lập thị xã trước năm 2025. Đô thị Yên Phong cũng được định hướng đạt tiêu chí đô thị loại III hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn quận khi tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

    Theo đó, diện tích đô thị Yên Phong vừa được điều chỉnh từ 2.717 ha lên 9.694 ha, mở rộng gấp 3,5 lần so với trước đây. Theo mục tiêu đề ra, cùng với quyết định điều chỉnh ranh giới địa chính của huyện Yên Phong, kết nối về không gian và hạ tầng kỹ thuật đối với các khu vực trong và ngoài tỉnh, dân số Yên Phong đến năm 2025 dự báo sẽ khoảng 225.000 - 255.000 người, đến năm 2035 là khoảng 300.000 - 320.000 người, tăng mạnh so với số liệu 192.647 người vào tháng 4/2019. 

    Như vậy, về tính chất, đô thị Yên Phong sẽ là khu vực phát triển đô thị công nghiệp, dịch vụ; trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp phụ trợ; trung tâm phát triển thương mại dịch vụ phục vụ cho công nghiệp, là trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa của tỉnh Bắc Ninh.

    Khu công nghiệp Yên Phong

    Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc được tái khởi động quyết liệt và Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng mà các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hướng tới. Trong đó, điểm nổi bật trong sự thành công của toàn tỉnh Bắc Ninh về thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ dừng ở vị trí địa lý thuận lợi, mà quan trọng là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, hạ tầng phục vụ sản xuất, quy hoạch cụm công nghiệp, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… luôn được lãnh đạo địa phương các cấp quan tâm đẩy mạnh, nhằm tạo dựng không gian kinh tế thuận lợi, an toàn cho nhà đầu tư.

    Trong đó, Yên Phong - nhờ chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư hấp dẫn, cộng với sự quan tâm mạnh mẽ vào hạ tầng đô thị, phát triển các KCN, khu chế xuất, giúp tạo đà cho phát triển kinh tế, thu hút hàng vạn lao động từ các địa phương, cũng như lao động và chuyên gia nước ngoài gia tăng, dẫn tới nhu cầu về nhà ở và các hạ tầng dịch vụ khác cùng phát triển. Khiến bất động sản công nghiệp và đô thị Yên Phong ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

    Một điểm nổi bật ở Yên Phong trong những năm qua còn là không ngừng chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, với việc nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường trọng yếu như Quốc lộ 18 đi qua TP. Bắc Ninh và huyện Yên Phong kết nối Yên Phong với sân bay quốc tế Nội Bài và các cửa khẩu, cảng biển quốc tế Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận; Quốc lộ 3 kết nối Yên Phong với Hà Nội, Thái Nguyên  hay các tuyến đường tỉnh ĐT276, ĐT277, ĐT277B, ĐT285B, ĐT286, ĐT287, ĐT295,... kết nối huyện Yên Phong với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh, tạo tiền đề cho địa phương ngày càng phát triển và trở thành “tâm điểm vàng” của Trung tâm sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

    Chỉnh trang nút giao thông tại đường TL 277 giao với đường TL 286 huyện Yên Phong

    Lợi thế từ sức mạnh toàn dân

    Nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Ninh, trên quốc lộ 18 (tuyến đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long), cách Hà Nội 35km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 19km, Yên Phong là huyện có diện tích lớn và là nơi tập trung nhiều KCN lớn như: Yên Phong 1, Yên Phong 1 mở rộng, Yên Phong 2 (gồm Khu công nghiệp Yên Phong 2C và KCN VSIP Bắc Ninh 2) đang được đầu tư đi vào hoạt động. Hiện nay, những nhà máy với số vốn đầu tư hàng tỷ USD như Samsung, Panasonic, Orion, Hansol, Dawol… đều được đặt tại các KCN huyện Yên Phong. 

    Yên Phong đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, thậm chí sau đó còn quyết định mở rộng sản xuất tại đây. Để có được sự tin cậy như vậy, Yên Phong luôn xác định công tác quy hoạch, đi trước làm cơ sở xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và cùng với đó là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm nền tảng.

    Những năm qua, Yên Phong đã nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, đô thị và đã đạt được những kết quả vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Huyện có lợi thế phát triển tỷ trọng ngành công nghiệp, trong đó các KCN đã có đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ trên địa bàn. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư với nhiều dự án xây dựng mới, điều chỉnh QHC đô thị Chờ và vùng phụ cận, nâng cấp và chỉnh trang, đặc biệt hệ thống giao thông, công sở, cơ sở y tế, văn hóa, trường học, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông… được triển khai xây dựng đồng bộ, hướng tới đô thị văn minh, hiện đại đáp ứng ứng phát triển Yên Phong trở thành Thị xã.

    Cập nhật mới nhất, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Phong khóa XXII khẳng định, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Yên Phong đã đoàn kết, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy những lợi thế của địa phương, nỗ lực và quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

    Kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách hàng năm vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định và phát triển; hoàn thành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. GRDP năm 2020 ước đạt 135.058 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2015; tăng trưởng bình quân hàng năm là 14,3% (vượt 4,3% so với chỉ tiêu Đại hội lần thứ XXII đề ra); thu nhập bình quân đầu người đạt 68,76 triệu đồng/năm, tăng 1,62 lần so với năm 2015.

    Hoạt động của các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2020 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, gấp 2,27 lần so với năm 2015; tốc độ bình quân 5 năm tăng 17,8%/năm. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị, quản lý không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đô thị được tập trung theo hướng hiện đại. Tích cực chỉ đạo và đạt kết quả vượt bậc về công tác đầu tư xây dựng các dự án phát triển kinh tế, xã hội, nhiều công trình từ huyện đến cơ sở được nâng cấp, xây mới đáp ứng nhu cầu phát triển.

    Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Yên Phong đặt mục tiêu trở thành thị xã và đạt được các chỉ tiêu chủ yếu là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 99,5 triệu đồng/năm. Về cơ cấu kinh tế địa phương quản lý: Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 5,3 %, công nghiệp và xây dựng 69,6 %, dịch vụ 25,1 %; Thu ngân sách tăng bình quân 12%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm trên 35% GRDP hàng năm; Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 110 triệu đồng/ha/năm; Hàng năm giải quyết việc làm mới cho hơn 3.500 lao động; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

    Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, Đảng bộ huyện Yên Phong đã xây dựng chương trình hành động với các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp về Phát triển nông nghiệp nông thôn; Phát triển công nghiệp và đô thị gắn với bảo đảm môi trường; Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và hiệu lực điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính… Đồng thời, chính quyền huyện Yên Phong tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; tuyên truyền nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, chú trọng phát triển các dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao…

    Hà Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xay-dung-yen-phong-thanh-thu-phu-san-xuat-cong-nghiep-a348173.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan