Ban quản lý Hồ Tây, Hà Nội đang xác minh thông tin nhân viên vệ sinh môi trường có hành vi vây đuổi, đập vịt trời trên hồ.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh và clip dài hơn 1 phút được cho là công nhân vệ sinh môi trường có hành vi đập vịt trời trên mặt nước Hồ Tây. Người đưa hình ảnh lên mạng xã hội cho biết, trong khi công nhân vớt rác cố làm hại 3 con vịt trời, một số người dân đã lên tiếng can ngăn nhưng những người ngồi trên thuyền vớt rác làm ngơ.
Liên quan đến thông tin này, chiều 16/11, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Ban quản lý hồ Tây cho biết, sau khi xem hình ảnh trên mạng xã hội, ông đã yêu cầu xí nghiệp quản lý đội công nhân vệ sinh môi trường trên mặt Hồ Tây làm rõ sự việc.
Hình ảnh được cho là công nhân vệ sinh môi trường đập vịt trời trên Hồ Tây. Ảnh: Hòa Vương |
Ông Tuấn cho hay, đội công nhân vệ sinh môi trường trên Hồ Tây chia làm 2 tổ, một tổ làm sáng và tổ làm chiều. Hiện nay, ông Tuấn đã yêu cầu đội công nhân làm việc buổi chiều báo cáo và chưa ai nhận thực hiện hành vi như trên.
“Chúng tôi đang yêu cầu tổ công nhân buổi sáng báo cáo, khoảng sáng mai (17/11) sẽ có kết quả”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn thông qua hình ảnh trong clip cũng chưa thể xác minh chính xác động vật trong clip là vịt trời hay gia cầm do người dân chăn thả ra Hồ Tây. Tuy nhiên, nếu là động vật tự nhiên thì hành động trên là cực kỳ phản cảm.
Ngay sau khi được đăng tải, có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình, cho rằng hành vi của nhóm công nhân là đáng lên án và bị xử lý nghiêm khắc. Nhiều người băn khoăn vì đã lâu lắm rồi, những loài chim di trú như sâm cầm, vịt trời không còn xuất hiện trên mặt hồ nhiều như xưa. Thế nhưng khi chúng vừa đến di trú thì lại bị chính con người xua đuổi, làm hại.
Hồ Tây trước kia được biết đến là một hệ sinh thái đặc biệt với sự đa dạng về động thực vật, được coi là điển hình nhất của các hệ sinh thái nước ngọt. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá trị về đa dạng sinh học nơi đây đang suy giảm hiện hữu từng ngày. Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra là do môi trường nước ở hồ Tây những năm gần đây ngày càng tăng ô nhiễm, đặc biệt vào mùa khô. Hệ lụy đi kèm số lượng cá chết ngày càng nhiều và càng tăng vào mùa nước cạn. Loài cá bị chết nhiều nhất là cá mè trắng, cá trôi rô hu, cá rô phi.
Trước thực trạng trên, TP. Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo vệ hồ tuy nhiên vẫn có khoảng 30 cống hàng ngày xả thải trực tiếp xuống hồ khiến môi trường nơi đây đang bị ô nhiễm nặng nề.
Vi An (T/h)