Reuters đưa tin, Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/12, phát ngôn viên WHO - bà Margaret Harris nhận định: “Thoát khỏi giai đoạn kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt luôn là điều khó khăn đối với các nước. Úc là ví dụ điển hình. Có rất nhiều thứ phải áp dụng ở cấp cộng đồng, cấp bệnh viện, cấp quốc gia để duy trì quá trình chuyển đổi đó”.
Theo bà Margaret Harris, một trong số những thách thức là đảm bảo dân số được tiêm phòng đúng cách và chuẩn bị đủ bệnh viện, nhằm đối mặt với tình trạng số ca nhiễm COVID-19 cũng như các loại bệnh khác tăng cao.
WHO thường không bình luận về chính sách phòng dịch của từng quốc gia. Tuy nhiên, hồi tháng 5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nói rằng các chính sách phòng chống COVID-19 của Trung Quốc không bền vững.
Ông Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho biết ông hài lòng khi Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược của mình và kêu gọi nước này tiếp tục tăng phạm vi tiêm chủng.
Trong khi đó, ông Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia của Anh, cho biết nhiều người ở Trung Quốc đã tiêm phòng cách đây quá lâu nên nên có thể không được bảo vệ đầy đủ. “Điều này đã làm mất đi lợi ích của chiến dịch tiêm chủng. Trung Quốc đang ở một vị trí thực sự khó khăn”, theo ông Paul Hunter.
Dù hơn 90% trong tổng số 1,4 tỷ dân Trung Quốc đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, chỉ khoảng 40% người trên 80 tuổi được tiêm mũi tăng cường. Theo đó, các nhà dự báo ước tính sẽ có khoảng 1,3-2 triệu người tử vong nếu nước này mở cửa trở lại hoàn toàn.
Quyết định nới hạn chế COVID-19 đã tạo ra làn sóng đổ xô tìm mua các loại thuốc phòng ngừa, vì một bộ phận người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, chưa tiêm phòng và lo ngại nguy cơ nhiễm virus cao hơn.
Giới chức khắp đất nước cảnh báo nguồn cung thuốc khan hiếm và tăng giá trong những ngày gần đây. "Hãy mua thuốc một cách hợp lý, tùy theo nhu cầu, đừng tích trữ", Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Bắc Kinh khuyến cáo người dân.
Trong gần ba năm qua, Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa diện rộng, xét nghiệm hàng loạt và truy vết lây nhiễm, với mục tiêu đưa ca nhiễm xuống bằng 0.
Tuy nhiên, chiến lược này đến nay chưa ngăn được các đợt bùng phát dịch ở một số thành phố, đô thị của Trung Quốc, đặc biệt với biến chủng Omicron dễ lây lan.
Trung Quốc tới nay ghi nhận gần 350.000 ca nhiễm và hơn 5.200 ca tử vong.
Mộc Miên (Theo Reuters)