Ngày 11/4 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang theo dõi một số trường hợp bệnh nhân mắc hai biến thể phụ mới của chủng virus Corona có khả năng lây truyền cao là Omicron, để đánh giá xem chúng có khả năng lây nhiễm cao hay nguy hiểm hơn hay không, Reuters đưa tin.
WHO đã thêm BA.4 và BA.5, biến thể "cùng lứa" với của biến thể phụ gốc BA.1 của Omicron vào danh sách các biến thể cần theo dõi.
Tổ chức này cũng đã theo dõi biến thể phụ BA.1 và BA.2, hiện chiếm chủ đạo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, cũng như biến thể phụ BA.1.1 và BA.3.
WHO cho biết họ đã bắt đầu theo dõi BA.4 và BA.5 vì “các biến thể phụ cần được nghiên cứu thêm để hiểu được tác động của chúng đối với khả năng trốn hệ miễn dịch”.
Tất cả các loại virus đều có thể thay đổi theo thời gian nhưng chỉ một số biến thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né tránh được khả năng miễn dịch trước khi tiêm vaccine hoặc nhiễm bệnh, hay mức độ nghiêm trọng của bệnh mà chúng gây ra.
Ví dụ, biến thể phụ BA.2 Omcron hiện đang gây ra gần 94% các trường hợp mắc COVID-19 được giải trình tự gen và dễ lây truyền hơn các biến thể tương tự như nó, tuy nhiên các bằng chứng cho đến nay cho thấy nó không có nhiều khả năng gây ra bệnh nặng.
Theo WHO, chỉ có một số trường hợp bệnh nhân BA.4 và BA.5 được báo cáo lên cơ sở dữ liệu GISAID toàn cầu.
Cơ quan An ninh Y tế của Vương quốc Anh cho biết, vào tuần trước, ca nhiễm BA.4 đã được phát hiện ở Nam Phi, Đan Mạch, Botswana, Scotland và Anh từ ngày 10/1 đến ngày 30/3.
Trong khi đó, tất cả các trường hợp mắc biến thể BA.5 đều được ghi nhận ở Nam Phi vào tuần trước. Tuy nhiên, vào ngày 11/4, bộ Y tế Botswana cho biết họ đã xác định được 4 trường hợp mắc BA.4 và BA.5, tất cả đều là những người từ 30-50 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ và có triệu chứng nhẹ.
Bích Thảo(Theo Reuters)