+Aa-
    Zalo

    WHO tái cân nhắc quyết định công bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc họp khác trong tuần tới để quyết định liệu có nên công bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ hay không.

    Ngày 12/7 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 18/7 để quyết định xem liệu bệnh đậu mùa khỉ có gây ra mối đe doạ sức khoẻ toàn cầu hay không. Động thái này được đưa ra khi số ca mắc đậu mùa khỉ đã tăng lên 9.200 trường hợp.

    Hồi tháng trước, cơ quan y tế của Liên hợp quốc đã từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng do sự lây nhiễm đã tăng lên đáng kể trong vài tuần qua, tổ chức dự kiến ​​sẽ xem xét liệu có nên đưa ra cảnh báo cấp cao nhất khi ủy ban khẩn cấp triệu được tập lại vào tuần tới hay không.

    Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: "Ủy ban khẩn cấp về bệnh đậu khỉ sẽ họp lại vào tuần tới và xem xét các xu hướng, mức độ hiệu quả của các biện pháp đối phó và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia và cộng đồng đang đối mặt với dịch bệnh đậu mùa khỉ".

    benh dau mua khi
    Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở châu Âu. Ảnh: CNBC 

    Theo báo cáo của WHO, khoảng 9.200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trên 63 quốc gia trong năm nay, tăng từ hơn 6.000 trường hợp vào ngày 4/7. Trong số đó, 3 trường hợp tử vong đã được xác định.

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ thông tin hầu hết trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong làn sóng mới nhất đang hồi phục sau khoảng 2-4 tuần. Nhưng virus này gây ra triệu chứng phát ban đau đớn và có thể lan ra khắp cơ thể.  

    Lần gần đây nhất WHO ban hành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu là vào tháng 1/2020 để đối phó với đợt bùng phát COVID-19 và tháng 3 sau đó, tổ chức đã tuyên bố đây là một đại dịch. Không có quy trình chính thức nào cho việc WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu, có nghĩa là thuật ngữ này được định nghĩa một cách khá lỏng lẻo. Năm 2020, cơ quan này tuyên bố COVID-19 là một đại dịch trong nỗ lực cảnh báo các chính phủ về "mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng đáng báo động" của virus.

    Trái ngược với COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ không phải là một loại virus mới. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ vào năm 1958 trên những con khỉ nuôi nhốt dùng để nghiên cứu và xác nhận trường hợp bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm virus này vào năm 1970 tại Zaire, nay được gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo.

    Bệnh đậu mùa khỉ có cùng họ với virus bệnh đậu mùa. WHO và các cơ quan y tế quốc gia có nhiều thập kỷ kinh nghiệm phòng chống bệnh đậu mùa, trước khi bệnh này bị xóa sổ vào năm 1980. Cuộc chiến chống lại bệnh đậu mùa có thể cung cấp cho các quan chức y tế những kiến ​​thức quan trọng để phòng chống bệnh đậu mùa ở khỉ.

    Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là rất bất thường vì dịch đang lan rộng ở các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu, nơi thường không có virus này trước đây. Châu Âu đang là tâm chấn toàn cầu của đợt bùng phát, đã báo cáo hơn 80% trường hợp nhiễm trùng được xác nhận trên toàn thế giới vào năm 2022. Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận hơn 760 trường hợp đậu mùa khỉ ở 37 bang, Washington, D.C. và Puerto Rico.

    Trong lịch sử, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở mức độ thấp ở các Tây và Trung Phi. Sự lây truyền giữa người với người của virus đậu mùa khỉ là tương đối hiếm trước đây, vì virus thường lây từ động vật sang người. WHO thừa nhận cộng đồng quốc tế đã không đầu tư đủ nguồn lực để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi trước khi dịch bệnh bùng phát hiện nay.

    Minh Hạnh (Theo CNBC) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/who-tai-can-nhac-quyet-dinh-cong-bo-tinh-trang-khan-cap-voi-benh-dau-mua-khi-a544407.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan