Ngày 6/11 vừa qua, 4 con sư tử châu Á tại vườn thú Night Safari (Singapore) đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 4 con sư tử này cùng 1 con sư tử châu Phi đã có các triệu chứng nhẹ của COVID-19 bao gồm ho, hắt hơi và uể oải. Kết quả xét nghiệm của con sư tử châu Phi vẫn đang đợi.
Tiến sĩ Sonja Luz, phó chủ tịch bảo tồn, nghiên cứu và thú y tại Mandai Wildlife Group cho biết khu tham quan sư tử châu Á dọc theo tuyến đường xe điện tại Night Safari đã bị đóng cửa kể từ ngày 7/11. Trong khi đó, khu tham quan châu Phi cũng đã tạm thời đóng cửa vào ngày 9/11.
Vụ sư tử mắc COVID-19 đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho động vật tại Singapore. Tuy nhiên, Mandai Wildife Group cho biết họ chưa có kế hoạch tiêm chủng cho động vật. Đại diện tập đoàn chia sẻ: "Chúng tôi vẫn đang theo dõi thông tin từ các đối tác trên thế giới, những người đã bắt đầu thử nghiệm tiêm vaccine cho động vật".
Cụ thể, hồi tháng 9 vừa qua, 48 con thú tại Vườn thú Oakland ở California (Mỹ), bao gồm sư tử, gấu và chồn sương, đã được công ty dược phẩm thú y Zoetis tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, hồi tháng 1, những con khỉ đột sống trong Vườn thú San Diego (Mỹ) cũng đã được tiêm cùng loại vaccine cho động vật sau khi một chùm ca bệnh COVID-19 được phát hiện trong đàn khỉ đột tại đây.
Tại Nga, vào tháng 3/2021, nước này đã đăng ký vaccine ngừa COVID-19 Carnivac-Cov cho động vật. Các thử nghiệm được tiến hành cho thấy loại vaccine này có thể tạo ra kháng thể chống lại virus ở chó, mèo và chồn. Theo đó, loại vaccine này được cho là có thể bảo vệ các loài dễ bị tổn thương và ngăn chặn các đột biến do virus gây ra.
Thông tin về tình hình 4 con sư tử châu Á mắc COVID-19, Tiến sĩ Luz cho biết những con sư tử vẫn "lanh lợi và đang ăn uống tốt". Bà lưu ý, đã có bằng chứng cho thấy động vật nói chung không mắc các triệu chứng bệnh nặng do COVID-19.
Bà chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng các con sư tử sẽ sớm hồi phục hoàn toàn sau khi được điều trị. Chúng tôi có thể sẽ kê thêm đơn thuốc chống viêm hoặc kháng sinh để bổ sung cho việc điều trị".
Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Mỹ, cho biết nếu động vật tiếp xúc gần với người và có cùng thụ thể ACE2 với người, chúng cũng có thể bị nhiễm bệnh. Virus SARS-Cov-2 liên kết với thụ thể ACE2 có thể gây ra sự lây nhiễm với các tế bào vật chủ.
Giáo sư Wang Linfa từ chương trình Bệnh truyền nhiễm Duke-NUS giải thích ACE2 là một "protein có khả năng bảo vệ giao ở các loài động vật có vú khác nhau".
Tuy nhiên, ông Fisher nhận định vật nuôi bị lây bệnh từ người thường chỉ mắc các triệu chứng nhẹ và không gây ra nguy hiểm cũng như khiến động vật trợ thành nguồn lây cho con người. Giáo sư Wang chỉ ra dù con người có thể lây nhiễm cho vật nuôi của họ, chẳng hạn như mèo và chó, nhưng virus sẽ không nhân lên đủ nhiều ở động vật để lây nhiễm lại cho con người.
Tổ chức Thú y Thế giới cũng đưa ra nhận xét tương tự. Họ cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy động vật có thể lây nhiễm virus lại cho người.
Minh Hạnh(Theo Staits Times)