Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 20/5 (giờ địa phương) để thảo luận về sự bùng phát gần đây của bệnh đậu mùa khỉ, một bệnh nhiễm virus phổ biến hơn ở Tây và Trung Phi, sau khi hơn 100 trường hợp được xác nhận hoặc nghi mắc ở châu Âu, Reuters đưa tin.
Các ca bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở các quốc gia bao gồm Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Canada và Úc. Phía Đức gọi đây là đợt bùng phát lớn nhất ở châu Âu từ trước đến nay.
Tây Ban Nha đã ghi nhận 24 trường hợp mới nhiễm virus đậu mùa khỉ vào ngày 20/5, chủ yếu ở khu vực Madrid, nơi chính quyền khu vực đóng cửa một phòng tắm hơi có liên quan đến phần lớn các ca bệnh.
Một bệnh viện ở Israel đang điều trị cho một người đàn ông đến từ Tây Âu khoảng 30 tuổi có các triệu chứng của căn bệnh này.
Lần đầu tiên được xác định ở khỉ, căn bệnh này thường lây lan khi tiếp xúc gần và hiếm khi lan ra ngoài châu Phi, vì vậy hàng loạt trường hợp lây nhiễm hiện tại đang dấy lên mối lo ngại.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ không tiến triển thành đại dịch như COVID-19, do loại virus này không lây lan dễ dàng như SARS-COV-2.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus nhẹ, người mắc sẽ có triệu chứng sốt cũng như phát ban sần sùi trên người.
Theo WHO, hiện chưa có vaccine đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ nhưng dữ liệu cho thấy, các loại vaccine bệnh đậu mùa có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ lên tới 85%.
Các nhà chức trách Anh cho biết họ đã cung cấp vaccine đậu mùa cho một số nhân viên y tế và những người khác có thể đã nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Kể từ năm 1970, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 11 quốc gia châu Phi. Nigeria đã có một đợt bùng phát lớn liên tục kể từ năm 2017. Cho đến nay, đã có 46 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trong đó 15 trường hợp đã được xác nhận, theo WHO.
Trường hợp đầu tiên ở châu Âu được ghi nhận vào ngày 7/5 ở một người trở về Anh từ Nigeria. Kể từ đó, hơn 100 ca mắc đã được ghi nhận bên ngoài châu Phi, theo một nhà khoa học của Đại học Oxford.
Bích Thảo(Theo Reuters)