Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức một phiên họp đặc biệt vào ngày 26/11 để thảo luận những vấn đề liên quan đến một biến thể mới có nhiều đột biến, được đặt tên là B.1.1.529.
"Chúng tôi chưa biết nhiều thông tin về biến thể này. Điều chúng tôi biết là biến thể này có nhiều đột biến. Khi một biến thể có nhiều đột biến, điều đó có thể tác động lên cách virus hành xử", bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về COVID-19, khẳng định hôm 25/11.
Việc theo dõi biến thể mới được tiến hành, khi số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới gia tăng nhanh chóng. WHO đã thông báo về nhũng điểm nóng tại nhiều khu vực, đặc biệt là châu Âu. Anh cũng tuyên bố sẽ cấm các chuyến bay từ 6 nước châu Phi, trong đó có cả Nam Phi bắt đầu từ trưa 26/11.
Các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện hơn 30 đột biến trong protein gai của B.1.1.529 - bộ phận mà virus dùng để liên kết với các tế bào người.
Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.529 được phát hiện lần đầu ở Botswana. Biến thể này có tới 32 đột biến ở protein gai. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.
B.1.1.529 đang lây lan nhanh chóng ở tỉnh Gauteng, nơi tọa lạc của thành phố lớn nhất Nam Phi Johannesburg.
"Khi số ca nhiễm gia tăng ở Gauteng, nơi mọi người đến và rời khỏi tỉnh này từ mọi khu vực khác của Nam Phi… chỉ là vấn đề thời gian, khi tỉ lệ lây nhiễm và số ca nhiễm gia tăng", Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla khẳng định
Kể từ khi xuất hiện, biến thể B.1.1.529 đã gây ra 10 ca mắc COVID-19 tại 3 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm 3 ca ở Botswana, 6 ở Nam Phi và 1 ở Hong Kong (Trung Quốc), là người có lịch sử đi lại đến Nam Phi.
Tiến sĩ Tom Peacock, nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, đã đăng thông tin chi tiết về biến chủng mới này trên một trang web chia sẻ bộ gene và nhận định: "Lượng đột biến rất cao của biến chủng cho thấy, điều này có thể thực sự đáng lo ngại".
Vị tiến sĩ nhấn mạnh, cần phải theo dõi sát biến chủng B.1.1.529 vì số lượng đột biến "khủng khiếp" của nó.
Cho đến nay, virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, trong đó có các biến chủng được xếp vào nhóm "đáng lo ngại" do khả năng lây lan mạnh hơn, dễ tránh miễn dịch hơn hoặc có độc lực cao hơn. Biến chủng gây lo ngại nhất hiện nay là Delta - nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng vọt trên toàn cầu trong những tháng qua.
Mộc Miên (T/h)