Ngày 28/10 (theo giờ địa phương), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi nhóm G-20 rằng họ không thể để các nước nghèo bị bỏ lại trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Theo đó, WHO cho biết họ cần chi khoảng 23.4 tỷ USD cho kế hoạch đẩy lùi địch.
Theo ông Tedros, số tiền này cần thiết để đảm bảo nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, việc xét nghiệm và phương pháp điều trị bệnh. Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO nhận định số tiền tiên có thể ngăn khoảng 5 triệu người khác thiệt mạng trong đại dịch.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/10, ông Tedros nói: "G-20 có khả năng thực hiện các cam kết chính trị và tài chính cần thiết để chấm dứt đại dịch này. Chúng ta đang trong thời điểm quyết định, đòi hỏi sự lãnh đạo quyết đoán để khiến thế giới an toàn hơn".
Chương trình Access to Covid Tools Accelerator (ACT-Accelerator, tạm dịch: Hỗ trợ tiếp cận công cụ phòng chống COVID-19) do WHO dẫn đầu nhằn mục tiêu phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch. Qua đó, WHO cho biết số tiền 23,4 tỷ USD không là gì so với hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế do đại dịch và chi phí hỗ trợ các quốc gia khác vượt qua phục hồi sau khó khăn.
Theo WHO, đến nay chỉ mới có khoảng 0,4% thiết bị xét nghiệm và 0,5% liều vaccine ngừa COVID-19 đến tay các nước thu nhập thấp, những nơi chiếm 9% tỷ lệ dân số thế giới. Do đó, kế hoạch của ACT-Accelerator sẽ tập trung vào giải quyết những thiếu hụt về nguồn cung ở các nước nghèo hơn.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bình luận: "Không nơi nào có chứng kiến bất bình đẳng này rõ ràng hơn châu Phi, nơi chỉ mới 8% dân số được tiêm 1 liều vaccine ngừa COVID-19".
Nhiều chuyên gia dự đoán chỉ 5 trong số 54 quốc gia châu Phi được dự đoán sẽ đạt được mục tiêu cuối năm của WHO là tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số. Trước tình hình này, ông Tedros kêu gọi: "Việc tài trợ cho ACT-Accelerator là một yêu cầu bắt buộc về an ninh y tế toàn cầu đối với tất cả chúng ta - bây giờ là lúc để hành động".
Minh Hạnh (Theo AFP)