+Aa-
    Zalo

    Vượt định kiến, chàng công nhân vay tiền mở “Thư viện hạnh phúc”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù bị bố mẹ phản đối, chàng công nhân Hoàng Quang Khải vẫn quyết tâm tích góp và vay mượn để mở thư viện sách miễn phí cho người dân địa phương.

    Dù bị bố mẹ phản đối, chàng công nhân Hoàng Quang Khải (sinh năm 1996, xã Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) vẫn quyết tâm tích góp và vay mượn để mở thư viện sách miễn phí cho người dân địa phương. Chàng công nhân gọi đó là “Thư viện hạnh phúc”.

    “Thư viện chưa hoàn thành thì chưa lấy vợ!”

    Mỗi cuối tuần, căn phòng nhỏ tại xã Lạc Đạo, lại trở thành điểm hẹn chắp cánh tri thức. Nhiều học sinh chọn rời xa mạng xã hội hay những trò chơi điện tử để tìm đến “lãnh địa” mang tên “Thư viện hạnh phúc”.

    Khoảng trời riêng chỉ rộng 16m2 , không gian mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên do được làm chủ yếu bằng gỗ và kính. Với hơn 800 đầu sách gồm các thể loại: Sức khỏe, tâm hồn, làm giàu, giao tiếp, tiểu thuyết, văn học thiếu nhi..., góc nhỏ của chàng trai 24 tuổi mở ra những thế giới đa dạng.

    Do công việc bận rộn, Khải chỉ mở thư viện vào cuối tuần. Tuy nhiên, chàng trai trẻ cũng không quên đặt một tủ sách mini trước cửa thư viện, đính kèm dòng chữ gây ấn tượng: “Ở đây có sách, xin kính mời toàn thể nhân dân đón đọc. Đọc xong cất lại chỗ cũ, xin cảm ơn!”. Đó là những lời xuất phát từ một tấm lòng luôn trăn trở về sự sẻ chia và phát triển văn hóa đọc ngay tại quê hương, nơi hồn quê văn hiến giữa nhịp sống tấp nập, hiện đại.

    Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2016, Khải trở thành công nhân một công ty của Nhật Bản tại khu công nghiệp Phố Nối A (huyện Văn Lâm). Công việc này mang đến thu nhập tương đối ổn định nhưng Khải vẫn luôn trăn trở và bứt rứt khôn nguôi, anh tự gọi mình “như một kẻ chưa tìm được giá trị của cuộc sống”.

    Hoàng Quang Khải và “Thư viện hạnh phúc”. (Ảnh NVCC).

    “Tôi luôn muốn làm một điều gì đó có ích cho đời... Nhiều lúc tự mình băn khoăn, chẳng lẽ, cuộc đời mình cứ trôi đi vô nghĩa vậy sao? Suy nghĩ suốt một thời gian dài, tôi nhận thấy, 2 món quà quý giá nhất của con người chính là sức khỏe và trí tuệ. Sách mang đến cho ta trí tuệ và ứng dụng vào cuộc sống; đọc sách là một việc tốt và có ích cho xã hội, kiến thức được trao tặng thì sẽ không bao giờ mất đi... Chính vì vậy, xây dựng một không gian mở để ai cũng có thể đọc sách là thiết thực, ý nghĩa nhất!” - chàng trai bắt đầu chia sẻ ý tưởng một cách đầy hứng khởi.

    Trước quyết định của con trai, bố mẹ Khải một mực phản đối và mong anh có một công việc ổn định, tích góp và xây dựng gia đình. Nhiều người xung quanh cũng lời ra tiếng vào, xì xầm việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, khiến Khải nhiều khi rơi vào bế tắc. May mắn nhận được sự ủng hộ của bà nội, anh được cho mượn tầng 2 của căn nhà để làm thư viện.

    Hơn nửa năm cân nhắc, tính toán vẫn chưa gom đủ tiền để thực hiện ước mơ, chàng trai trẻ không thể chờ đợi thêm, “đánh liều” đi vay tiền. Tháng nào anh cũng phải vay tiền để sửa sang và duy trì hoạt động của thư viện, rồi khi có lương thì trả dần, cứ như vậy, 2 năm liền, đến nay vẫn chưa trả hết nợ.

    “Nhưng mà tôi vẫn vui vì mình đã dám làm... Mỗi tối, trước khi đi ngủ, tôi đều tự nhủ, mình phải làm bằng được, nếu thư viện chưa hoàn thành thì chưa lấy vợ!” - Quang Khải quả quyết.

    “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó” - Khải nhắc lại một câu trong cuốn Nhà giả kim khi chia sẻ, anh đã nhận được giúp đỡ rất nhiều bạn bè, và đó cũng là động lực cho anh thêm vững tâm trong hành trình đã chọn.

    Điểm hẹn rời xa mạng xã hội

    “Thư viện hạnh phúc” chính thức hoàn thành vào ngày 9/6/2019 với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Thương những lưng áo đẫm mồ hôi trong ngày nắng nóng, Khải bỏ tiền ra lắp điều hòa, cung cấp nước uống phục vụ bạn đọc. “Thư viện hạnh phúc” trở thành điểm hẹn lý tưởng trong những ngày hè.

    Để khuyến khích những độc giả, Khải “treo giải”, với mỗi cuốn sách sau khi đọc xong, có tổng kết lại sẽ được thưởng 2.000 đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng lại có sức kích thích đặc biệt với những gương mặt thân quen tại đây.

    Thư viện đi vào hoạt động, cái tên Hoàng Quang Khải không còn mang tiếng “vác tù và hàng tổng” như trước. Ngược lại, người dân địa phương đều khuyến khích con em đến đọc sách. Nhìn những nụ cười rạng rỡ khi đón đọc những cuốn sách, chàng trai 24 tuổi tiếp tục ấp ủ dự định sẽ thành lập một câu lạc bộ sách ở địa phương, không chỉ đọc sách mà còn hoạt động từ thiện, trồng cây...

    Là một bạn đọc quen thuộc, em Hoàng Trung Hiếu (10 tuổi) hào hứng chia sẻ: “Mỗi khi đến thư viện, em cảm thấy tập trung hơn và học được nhiều điều bổ ích. Anh Khải thường động viên chúng em đến đọc sách để giảm bớt thời gian “ôm” điện thoại, tivi”.

    Em Nguyễn Trần Thùy Dương (18 tuổi) cũng bày tỏ: “Trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT, em và các bạn thường đến đây để có không gian học tập đúng nghĩa. Cần tài liệu thì có thể tham khảo sách ở đây luôn. Hơn nữa, lại có điều hòa “cứu rỗi” chúng em trong những ngày nắng nóng, giúp việc ôn tập hiệu quả hơn”.

    Giữa một vùng quê đang chịu nhiều áp lực của nhịp sống công nghiệp, nơi điều kiện phát triển văn hóa đọc ít được chú trọng, nơi sân chơi cho trẻ em ít được quan tâm, thư viện sách của chàng trai trẻ “mọc lên” không chỉ đóng vai trò là một nơi lưu giữ những cuốn sách. Đó là nơi chắp cánh cho tri thức, đồng thời cũng là một không gian giải trí lành mạnh và cần thiết. Nơi đây trở thành điểm hẹn cho những nhóm bạn gặp gỡ, trò chuyện, đàn hát cho nhau nghe... giữa bối cảnh Internet đang bao trùm đời sống của học sinh.

    Chàng trai trẻ kỳ vọng, “Thư viện hạnh phúc” sẽ giống như một “bông hoa” mà mỗi khi nhắc đến thì ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp và được trao niềm hạnh phúc. Một “bông hoa” thư viện là chưa đủ, Khải còn muốn tặng cho đời những “bông hoa” khác qua việc giảng dạy Yoga. Cũng nhờ tình yêu với sách mà anh bén duyên với môn Yoga và đang theo đuổi con đường trở thành một huấn luyện viên Yoga. Khải chia sẻ, đó cũng là phương tiện giúp anh hoàn thành sứ mệnh lan tỏa những giá trị tích cực trong cuộc sống.

    “Điểm tựa” từ người bà tâm lý

    Bà Trịnh Thị Dụ (70 tuổi) - bà nội của Khải - tâm sự: “Thấy cháu có tâm như vậy tôi thực sự mừng! Cháu biết làm việc có ích cho xã hội mà gia đình lại không đồng ý thì phí lắm. Quan điểm của tôi là đặt đạo đức lên hàng đầu nên rất ủng hộ cháu. Mỗi lần trông thấy bọn trẻ trong xóm đến đọc sách, tôi phấn khởi lắm. Xã hội bây giờ nhiều tệ nạn cám dỗ, mà những đứa trẻ này biết dành thời gian đọc sách là rất đáng quý, tránh tiếp xúc với cái xấu, lại có thêm kiến thức... Thỉnh thoảng, tôi chuẩn bị nước uống hoặc mua bim bim cho bọn trẻ đến đây đọc sách để khuyến khích chúng chăm đến thư viện hơn. Nhờ cháu trai mà tôi “ thấy mình cũng góp phần nào đó có ích cho xã hội”.

    Thủy Tiên - Quang Trường

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (135)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vuot-dinh-kien-chang-cong-nhan-vay-tien-mo-thu-vien-hanh-phuc-a336886.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan