Theo Kiểm toán Nhà nước, những sai phạm trên đều xảy ra trong giai đoạn từ năm 2015-2018 khi ông Nguyễn Khắc Du vừa đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm luôn vị trí Tổng Giám đốc.
Mới đây, trong thông báo kết quả kiểm toán số 08/TB-KTNNKVXIII, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII nêu, Công ty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu (Vungtau Ship) liên tiếp vướng nhiều sai phạm gây thiệt hại lớn cho vốn ngân sách Nhà nước.
Điển hình như việc bán thanh lý tàu Sông Xanh 18 trọng tải 2.000 tấn dùng để chở hàng container. Theo đó, tàu Sông Xanh 18 được đóng mới và đưa vào sử dụng vào năm 2010 với số tiền hơn 10,5 tỷ đồng.
Năm 2015, Vungtau Ship lấy lý do hoạt động của tàu Sông Xanh 18 tính đến ngày 30/6/2015 thua lỗ hơn 2,6 tỷ đồng nên quyết định bán thanh lý tàu với giá 5,7 tỷ đồng để cắt lỗ.
Tuy nhiên, hoạt động của tàu Sông Xanh 18 bị thua lỗ có nguyên nhân chính là do Công ty Vungtau Ship thực hiện khung thời gian khấu hao tài sản chỉ 7 năm, trong khi theo quy định có thể lên tới 15 năm. Chính vì thời gian khấu hao tài sản ngắn nên đã làm chi phí tăng cao dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.
Thay vì phải tổ chức thẩm định giá để xác định giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá thì ông Nguyễn Khắc Du - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vungtau Ship “tự quyết” giá bán khởi điểm tàu Sông Xanh 18 là hơn 5,3 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, những sai phạm tại Vungtau Ship đều xảy ra trong giai đoạn từ năm 2015-2018. Ảnh minh họa |
Kiểm toán Nhà nước khẳng định, việc không tổ chức thẩm định giá có thể dẫn đến giá công ty đưa ra đấu giá và giá đấu giá thành công là chưa phù hợp. Đồng thời, việc bán thanh lý tàu còn không bảo toàn vốn đầu tư của Nhà nước, khiến Vungtau Ship bị thua lỗ gần 500 triệu đồng.
Năm 2013, Vungtau Ship mua 4 lô đất thuộc dự án Khu nhà ở dầu khí tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xây trạm hoa tiêu kết hợp với nhà ở cho công nhân nhưng đến hết 2015 vẫn không xây dựng được.
Theo báo cáo của công ty, nguyên nhân là vị trí khu đất không phù hợp để xây dựng trạm hoa tiêu. Mặt khác, nhu cầu nhà ở cho công nhân không còn do thị trường dịch vụ bốc xếp, giao nhận hàng hóa ngày càng thu hẹp.
Tháng 3/2016, công ty mua một căn nhà tại vị trí khác để làm trạm hoa tiêu. Đến nay, 4 lô đất trên không còn mục đích sử dụng.
Kiểm toán Nhà nước kết luận, việc đầu tư vội vàng khi chưa nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng đã dẫn đến lãng phí vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng.
Một vụ việc khác là việc chuyển nhượng gần 2,5 triệu cổ phiếu quỹ vào năm 2016. Kết luận 1251/KL-STC của sở Tài chính chỉ rõ theo phương án bán cổ phiếu quỹ thì Công ty CP Chứng khoán FPT CN TP.HCM được chỉ định làm đại lý thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện Vungtau Ship lại không giao dịch bán cổ phiếu quỹ thông qua công ty chứng khoán được chỉ định.
Nghiêm trọng hơn, HĐQT Vungtau Ship tự quyết định giá bán cổ phiếu Quỹ 10.700 đồng/cổ phiếu nhưng không so sánh với giá thị trường chào bán hoặc giá trị cổ phần được ghi trong sổ sách của công ty tại thời điểm gần nhất.
Theo sở Tài chính, căn cứ thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp và báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, giá trị sổ sách của cổ phiếu công ty (không bao gồm cổ phiếu quỹ) tại thời điểm gần nhất khi HĐQT thông qua việc bán cổ phiếu quỹ là 12.184 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu căn cứ vào giá trị sổ sách này thì việc bán gần 2,5 triệu cổ phiếu quỹ với giá chỉ 10.700 đồng/cổ phiếu đã gây thiệt hại cho Vungtau Ship hơn 3,6 tỷ đồng.
Liên quan đến hoạt động của Công ty Vungtau Ship, sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn chỉ ra nhiều vi phạm khác như không tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2014 và 2016 theo quy định; HĐQT phê duyệt giá đóng mới tàu hoa tiêu vỏ hợp kim nhôm chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 34 luật dấu thầu năm 2013; không đảm bảo hoạt động kinh doanh cửa hàng miễn thuế theo nguyên tắc bảo toàn vốn Nhà nước, gây thua lỗ; sửa đổi điều lệ lần 3 của công ty có những nội dung chưa được UBND tỉnh có chủ trương đồng ý; …
Theo Kiểm toán Nhà nước, những sai phạm trên đều xảy ra trong giai đoạn từ năm 2015-2018 khi ông Nguyễn Khắc Du vừa đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm luôn chức Tổng Giám đốc.
Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, việc này là trái quy định tại khoản 2 điều 512 Luật doanh nghiệp năm 2014.
Tại Kết luận 1251/KL-STC, sở Tài chính đã kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo sở Nội vụ xem xét, đánh giá người đại diện vốn Nhà nước trong việc chưa thực hiện đúng quy định tại thông tư 21/2014/TT-BTC của bộ Tài Chính về việc xin ý kiến của UBND tỉnh để sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty.
Đồng thời, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của Tổng Giám đốc - Người đại diện trong việc không bảo toàn vốn kinh doanh trong việc bán tàu Sông Xanh 18 và kinh doanh cửa hàng miễn thuế, làm trái chỉ đạo của UBND trong việc mua bán cổ phiếu quỹ.
Sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn số 13003/UBND-VP lần thứ 2 yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vungtau Ship theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến các sai phạm tại Vungtau Ship chưa được giải quyết dứt điểm.
Vũ Đậu(T/h)