Nam Ossetia từng là trung tâm của cuộc xung đột giữa Nga và Georgia vào năm 2008. Sau đó, Điện Kremlin đã công nhận vùng lãnh thổ ly khai này là một quốc gia độc lập và đặt các căn cứ quân sự ở đó.
Trong một sắc lệnh được ban hành ngày 30/5 (giờ địa phương), lãnh đạo vùng ly khai Nam Ossetia Alan Gagloev quyết định dừng kế hoạch trưng câu dân ý về việc sáp nhập Nga với lý do có "sự không chắc chắn về hậu quả pháp lý của vấn đề được đưa ra trưng cầu dân ý". Sắc lệnh cũng nhấn mạnh "không thể chấp nhận quyết định đơn phương của cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Liên bang Nga".
Theo đó, ông Gagloev đã ra lệnh "tổ chức không chậm trễ các cuộc tham vấn với phía Nga về toàn bộ các vấn đề liên quan đến sự hội nhập sâu rộng hơn nữa của Nam Ossetia và Liên bang Nga".
Vào ngày 13/5, người tiền nhiệm của ông Gagloev, ông Anatoly Bibilov, đã ký sắc lệnh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, với lý do "nguyện vọng lịch sử" của người dân khu vực này là gia nhập Nga. Tuy nhiên, ông Bibilov đã thua trong nỗ lực tái tranh cử vào đầu tháng này.
Về phía Nga, Moscow bày tỏ hy vọng ông Gagloev sẽ duy trì quan hệ liên tục giữa 2 bên.
Thông báo hôm 30/5 được đưa ra vào ngày thứ 96 Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nơi những phe ly khai ở các khu vực Donetsk và Lugansk cũng bày tỏ mong muốn tham gia cùng Nga.
Trước đó, hồi tháng 8/2008, các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công vào Georgia, nơi đang chiến đấu với lực lượng dân quân thân Nga ở Nam Ossetia.
Cuộc giao tranh kết thúc 5 ngày sau đó với lệnh ngừng bắn do Liên minh châu Âu làm trung gian. Dù vậy, xung đột đã sinh mạng của hơn 700 người và khiến hàng chục nghìn người phải di tản.
Sau sự kiện này, Điện Kremlin đã công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và một khu vực ly khai khác là Abkhazia. Hai khu vực này từ đó nằm dưới tầm ảnh hưởng của quân đội Nga.
Minh Hạnh (Theo AFP)