Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 7h ngày 13/7, vùng áp thấp có vị trí khoảng 14.5-15.5 độ Vĩ Bắc, 123.5-124.5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Philippines.
Do ảnh hưởng vùng áp thấp nối với rãnh áp thấp có trục 14-17 độ Vĩ Bắc, kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 13/7, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa) và vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có mưa rào và dông.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Trong ngày và đêm 13/7, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2-3m.
Một số mô hình dự báo trên thế giới cho thấy, vùng áp thấp có thể di chuyển vào Biển Đông trong vài ngày tới, khả năng mạnh lên thành bão/áp thấp nhiệt đới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định, trong nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8, có khoảng 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông.
Trong đó khoảng ngày 15-20/7 có khả năng xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông.
Trên đất liền, đợt nắng nóng nhiều ngày qua ở miền Bắc sẽ hạ nhiệt từ ngày mai (14/7), riêng vùng núi Bắc bộ từ đêm nay (13/7) đón mưa lớn.
Từ chiều tối và đêm mai (14/7), mưa mở rộng ra các tỉnh miền Bắc, cục bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tại các tỉnh miền Trung, từ 15/7, đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu mùa đến nay sẽ hạ nhiệt.
XEM THÊM: Bắc Bộ sắp đón mưa lớn diện rộng
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết trên Biển Đông, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh vùng núi Bắc bộ và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; gió mạnh trên biển và diễn biến vùng áp thấp, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán người dân đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng phương án ứng phó với mưa, lũ, gió mạnh trên biển.
Việt Hương (T/h)