Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã gọi đất nước của ông là "vùng đất của sự thỏa hiệp", cho thấy có thể có một lối thoát cho sự bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng.
CNN đưa tin khi các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ trên khắp Thái Lan và kêu gọi cải cách chế độ quân chủ ngày càng tăng, Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã gọi đất nước của ông là "vùng đất của sự thỏa hiệp", cho thấy có thể có một lối thoát cho sự bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng.
Nhà vua Thái Lan lần đầu tiên đưa ra bình luận công khai về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã diễn ra khắp đất nước trong hơn 4 tháng qua, trong một cuộc phỏng vấn chung hiếm hoi độc quyền với CNN và Channel 4 News hôm 1/11.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn vẫy tay chào người dân sau khi cử hành lễ tốt nghiệp tại đại học Thammasat ở Bangkok hôm 31/10. Ảnh: CNN. |
Khi được hỏi về những gì ông sẽ nói với những người biểu tình đã xuống đường kêu gọi cải cách, Quốc vương Vajiralongkorn nói với CNN rằng "không có bình luận" trước khi nói thêm: "Chúng tôi yêu quý tất cả người dân như nhau".
Khi được hỏi liệu có cơ hội nào để thỏa hiệp với những người biểu tình đang yêu cầu hạn chế quyền lực của mình hay không, ông Vajiralongkorn nói rằng: "Thái Lan là vùng đất của sự thỏa hiệp". Đây là lần đầu tiên nhà vua 68 tuổi chia sẻ với truyền thông nước ngoài kể từ năm 1979 khi ông còn là thái tử.
Hôm 1/11, Nhà Vua Vajiralongkorn đã tham gia một buổi lễ tôn giáo để đánh dấu thời điểm giao mùa tại Cung điện Hoàng gia. Nhà vua đã thay trang phục cho tượng Phật Ngọc - bức tượng Phật quan trọng nhất ở Thái Lan, đánh dấu sự chuyển giao chính thức từ mùa mưa sang mùa đông.
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ tuần hành đến đại sứ quán Đức ở trung tâm Bangkok hôm 26/10. Ảnh: CNN. |
Trong bộ trang phục màu vàng, hàng nghìn người ủng hộ chế độ quân chủ đã tập trung tại cung điện và được chào đón bởi Vua Vajiralongkorn, Hoàng hậu Suthida và Công chúa Sirivannavari, con gái của Quốc vương. Công chúa nói với CNN rằng Thái Lan là một đất nước hòa bình, nói rằng "chúng tôi yêu người dân Thái Lan, dù bất kể điều gì xảy ra".
Các cuộc biểu tình do sinh viên đứng đầu đã diễn ra gần như hàng ngày trên khắp Thái Lan kể từ tháng 7, thu hút hàng chục nghìn người kêu gọi xây dựng hiến pháp mới, giải tán quốc hội và từ chức của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, cựu tướng quân đội nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 2014.
Một yêu cầu cốt lõi của các cuộc biểu tình là cải cách chế độ quân chủ quyền lực của Thái Lan để đảm bảo nhà vua chịu trách nhiệm trước hiến pháp. Đó là thách thức lớn nhất đối với cơ sở cầm quyền trong nhiều thập kỷ, khi những người trẻ tuổi công khai phá bỏ những điều cấm kỵ cố hữu khi nói một cách công khai về gia đình hoàng gia trước công chúng. Thái Lan có một số luật nghiêm ngặt nhất thế giới và việc chỉ trích vua, hoàng hậu hoặc người thừa kế rõ ràng, có thể dẫn đến mức án tối đa 15 năm tù.
Bích Thảo(Theo CNN)