Trong bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, hai nhân vật Càn Long và Nhàn Phi là một đôi thanh mãi trúc mã, tình cảm sâu đậm. Thậm chí, Càn Long lúc còn là Bảo thân vương Hoằng Lịch đã nhắm vị trí Đích phúc tấn cho Nhàn Phi, nhưng bị Hoàng đế Ung Chính (cha của Càn Long) cản trở nên Nhàn Phi chỉ đành chịu ủy khuất làm Trắc phúc tấn.
Khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, Càn Long đã tổ chức lễ sắc phong hoàng hậu cho Nhàn Phi vô cùng long trọng.
Ngược lại, trong bộ phim Diên Hi công lược, tình cảm giữa Càn Long và Nhàn Phi không hề mặn nồng như vậy. Nhàn Phi ban đầu là một người không tranh đua với đời, sống cuộc sống bình lặng trong cung cấm, không được Càn Long để ý. Chỉ khi gia đình xảy ra biến cố, Nhàn Phi mới trở nên hắc hóa, làm mọi cách để vươn lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ.
Vậy Nhàn Phi trong lịch sử thực chất là người như thế nào, mối quan hệ giữa bà và Càn Long Đế ra sao?
Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị sinh 10 tháng 2 âm lịch, năm Khang Hy thứ 51 (1718). Bà có cốt cách cao quý, hiền hậu, nết na, dung nhan hơn người, làn da trắng muốt, môi chúm chím trái tim lúc nào cũng đỏ hồng, lông mày thì lá liễu, mũi nhỏ thanh tú, tóc đen bóng như lông quạ.
Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị sinh ra trong một gia tộc vô cùng danh giá, hiển hách. Trong sách Thanh sử cảo, bà được gọi là Ô Lạt Na Lạp thị, tuy nhiên đúng ra bà phải được gọi là Huy Phát Na Lạp thị, do dòng tộc bà là hậu duệ của Huy Phát Bối lặc Vương Cơ Trữ.
Tuy nhiên, gia tộc của Ô Lạt Na Lạp thị, nếu so với Phú Sát thị của Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu thì vẫn cách một quãng xa, do dòng họ này xuất xứ từ Lộ trưởng, thế tập Tá lĩnh lẫn thừa tước, nhập kì phân ở Tương Hoàng kỳ cao quý, hơn nữa bản thân gia tộc Phú Sát thị khi đó đã có danh vị trọng thần, địa vị gốc gác lẫn thực tế quyền hành đều cao cấp.
Do đó, Ô Lạp Na Lạp thị được chỉ định ban hôn thành Trắc phúc tấn trong các đợt Bát kỳ tuyển tú, tức bà không hề có quyền chọn lựa nào khác trong cuộc hôn nhân với Bảo Thân vương Hoằng Lịch.
Khi bà nhập phủ, Hoằng Lịch đã có Đích Phúc tấn và mối quan hệ của ông với vợ rất tốt đẹp. Có lẽ do không có tình cảm nên Ô Lạp Na Lạp thị lúc đó không được Hoằng Lịch để mắt đến. Ngày bà bầu bạn với thị nữ, đêm chăn đơn gối chiếc, cuộn tròn nằm ngủ ôm lấy cái danh hão là phụ nữ đã xuất giá.
Khi Hoằng Lịch lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Càn Long, ông đã sắc phong Ô Lạp Na Lạp thị thành Nhàn Phi. Những tưởng mối quan hệ vợ chồng sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhưng Nhàn Phi vẫn bình lặng sống cô độc qua ngày trong cung cấm.
Nhàn Phi tuy không có sự ân sủng của Càn Long Đế nhưng bà vẫn làm tròn bổn phận của một người vợ và một người con, cung kính với Hoàng hậu, hiếu thảo với Thái hậu. Chính vì vậy, Nhàn Phi rất được lòng Phú Sát Hoàng hậu và Thái hậu. Quyết định thông minh này của Nhàn Phi cũng trở thành nền móng vững chắc để bà tiến tới ngôi vị mẫu nghi thiên hạ.
Năm Càn Long thứ 13 (năm 1748 Dương lịch), Phú Sát Hoàng hậu qua đời. Thanh Cao Tông phong Quý phi Na Lạp thị làm Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự. Đây là một chức vụ chưa từng có trong lịch sử nhà Thanh kể từ khi khai quốc.
Đại lễ tấn phong Hoàng quý phi không khác gì đại lễ phong Hậu. Đặc biệt, Càn Long đế đã dùng chữ “sách lập” thay vì “sách phong” - vốn chỉ dùng cho Hoàng hậu - dành cho Na Lạp thị. Bà cũng được đãi ngộ diện trang phục màu minh hoàng - thứ mà trước đây chỉ có Thái hậu, Hoàng thượng và Hoàng hậu dùng.
Đến năm Càn Long thứ 15, Cao Tông hoàng đế đã xuống chỉ dụ lập Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự làm Hoàng hậu. Đáng chú ý, bà là phi tần chưa hề có con cái tính đến thời điểm trở thành Trung cung.
Về sự việc cắt tóc, đây là sự kiện có thật trong lịch sử. Có rất nhiều giả thiết đưa ra nhưng đến nay chưa ai có nhận định lý do chính xác lý do Kế hậu cắt tóc đoạn tình với Càn Long.
Tháng Giêng năm Càn Long thứ 30 (năm 1765), Kế hoàng hậu cùng Càn Long Đế và 5 vị phi tần du hành xuống phương nam lần thứ 4. Trong chuyến du hành kéo dài một tháng trời, mọi việc diễn ra đều rất suôn sẻ, thuận lợi. Không chỉ vậy, Càn Long Đế còn ưu ái tổ chức sinh nhật sớm lần thứ 48 vào ngày 10/2 thật linh đình cho Kế Hoàng hậu.
Thế nhưng, mấy ai ngờ được sau những hậu ái của chuyến đi định mệnh này, Kế Hoàng Hậu bất ngờ bị thất sủng. Toàn bộ tước hiệu đều bị thu hồi, biệt giam trong cung cấm, chịu sự thờ ơ, ghẻ lạnh của Hoàng Đế.
Khoảng 12 năm sau, năm Càn Long thứ 43 (1778), lại có người dâng thư thỉnh Hoàng đế cử hành hậu sự cho Na Lạp Hoàng hậu, việc này khiến Càn Long Đế bắt buộc phải ra chiếu dụ giải thích:
"Từ khi Hiếu Hiền hoàng hậu qua đời đến nay, nhân Na Lạp thị là từ khi Trẫm ở Thanh Cung được Hoàng khảo ban làm Trắc phúc tấn, vị thứ đương cao, bèn tấu lên Thánh mẫu Hoàng thái hậu, sách lập làm Hoàng quý phi nhiếp lục cung sự. Sau 3 năm sách lập làm Hoàng hậu. Về sau tự mắc lỗi lầm, trẫm vẫn rộng rãi như cũ. Nhưng rồi tự đoạn cắt tóc, tức trái quốc tục cấm kị nhất, mà tự thế ngang nhiên không màng đến. Trẫm chỉ răn dạy, vì còn nghĩ ơn xưa, không thể phế truất. Sau Hậu bạo băng, trẫm chỉ giảm nghi văn an táng, vẫn chưa lột bỏ danh hào. Huống hồ về sau không lập Hoàng hậu, xử lý việc này trẫm thật là đã tận tình tận nghĩa".
Theo luật nhà Thanh xưa, chỉ khi có người trong hoàng tộc mất thì mới được cắt tóc. Trong trường hợp này, cả Thái hậu và Hoàng đế đều khỏe mạnh mà Kế hoàng hậu làm thế là tội khi quân. Tuy nhiên người ta lại thấy lời giải thích ấy vẫn chưa thỏa đáng cho lắm. Vì nếu coi việc bà cắt tóc là nguyên nhân cho việc thất sủng là thật, Hoàng hậu Na Lạp thị sống trong hậu cung 30 năm, làm Hoàng hậu 15 năm, luôn ôn nhu uyển thuận, cẩn thận sáng suốt, đến cuối cùng vì việc gì mà phượng vị Hoàng hậu lẫn quốc tục tối kị đều không màng?
Theo Thập ngũ a ca thỉnh an chiết đã ghi lại (hiện còn trưng bày tại bảo tàng Nam Kinh, Trung Quốc), nội dung phúc đáp giữa Càn Long Đế và tổng quản Phan Phượng có nói đến sự kiện Càn Long Đế đã tra hỏi cung nữ 3 người bên cạnh Na Lạp hoàng hậu, ngay cái hôm mà Na Lạp hoàng hậu cắt tóc. Chính Hoàng đế cũng không được nhìn tận mắt hoàng hậu xuống tóc vì khi đó bà đã đuổi hết cung nữ ra ngoài, trong phòng chỉ có một mình Na Lạp hoàng hậu.
Trong Thập ngũ a ca thỉnh an chiết Càn Long cũng đã suy đoán rằng: "Việc Hoàng hậu cắt tóc lần này thật quái đản, ý muốn rời xa, như thế xem ra hằng ngày nàng hận Trẫm rất sâu".
Có lẽ nào Na Lạp hoàng hậu có một nỗi niềm khó bày tỏ mà nguyên nhân không ngoài chuyện tình cảm. Sống với một người chồng mà đa tình, nạp phi liên tục như Càn Long thì hành động của Na Lạp cũng không có gì lạ. Đàn bà khi tổn thương quá nhiều, khi niềm tin đặt vào người khác quá lớn mà đột ngột bị phản bội thì chẳng trách được rơi vào bi thương.
Một năm sau khi bị giam lỏng, Kế Hoàng hậu qua đời ở tuổi 49. Bà chết trong cô đơn tủi nhục, không có lấy một người thân bên cạnh. Tang lễ của Kế Hoàng hậu cũng bị cắt xén, keo kiệt tới mức khó tin và thậm chí còn không bằng tang sự của một thị thiếp của triều đình quan viên.
Không chỉ vậy, Kế Hoàng hậu còn không có mộ phần riêng, phải an táng nhờ trong địa cung của Thuần Huệ Hoàng Quý phi, thậm chí còn được chôn ở gian phòng phụ như mộ phần cung nữ. Hơn nữa, bà còn không được Càn Long ban thụy hiệu, trở thành vị hoàng hậu duy nhất trong Thanh triều không có thụy hiệu sau khi chết.
Cái tên Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu chẳng qua được hậu thế lấy tên của Càn Long là Thanh Cao Tông gán ghép cùng chữ “Kế”, tức là vị Hoàng hậu kế tiếp (thứ hai) của Thanh Cao Tông Càn Long Đế mà thôi.
Mộc Miên (T/h)