Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, chiều 1/8, thượng tá Vương Quốc Hội, Trưởng Công an TP Hội An (Quảng Nam), cho biết đơn vị đang phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh để điều tra, xác minh những người đưa thông tin sai lệch về di tích Chùa Cầu sau trùng tu.
Cụ thể, một tài khoản facebook đăng hình ảnh ghép từ hai bức ảnh được cho là di tích Chùa Cầu trước và sau trùng tu, nói rằng một số "đĩa cổ" dùng để trang trí trên đỉnh mái Chùa Cầu đã bị mất.
Theo thượng tá Hội, người đưa thông tin về việc mất cắp "đĩa cổ" trên mái di tích chùa Cầu sau trùng tu trước mắt đã nhận sai và lên tiếng xin lỗi.
Cụ thể, trên trang Facebook cá nhân người này đã đăng bài với nội dung: "Vụ chùa Cầu tôi sai! Một là trùng tu, không phải phục dựng. Hai góc ảnh mái chùa (4 góc) cận cảnh khiến tôi nhầm lẫn 2 góc khác nhau. Tôi rất yêu di sản và thiên nhiên nhưng sai là sai và tình yêu đó không phải là lý do biện minh. Rất xin lỗi đội ngũ trùng tu chùa Cầu và bà con Hội An!".
Thượng tá Vương Quốc Hội cho biết thêm, hiện nay có nhiều người lợi dụng vụ thông tin sai lệch về mất cắp "đĩa cổ" trên mái di tích chùa Cầu để đưa tin không đúng lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh di tích chùa Cầu, hình ảnh du lịch Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
"Chúng tôi sẽ xác minh để xử lý nghiêm theo quy của định pháp luật đối với những người đưa thông tin không chính xác về di tích chùa Cầu", thượng tá Hội khẳng định, báo Thanh Niên thông tin.
Liên quan tới sự việc, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, khẳng định, nội dung mất đĩa cổ trên mái chùa Cầu sau khi trùng tu được đăng tải trên mạng xã hội là thông tin xuyên tạc, vu khống.
Theo ông Ngọc, toàn bộ đĩa mặt tiền diềm mái phần cầu được đánh số và tận dụng trở lại như vị trí cũ đến 80%. Hai đầu cầu chỉ thay một số vị trí đĩa đã mất hoàn toàn. Bờ nóc, bờ chảy các đĩa gốc bị nứt nhẹ đã được xử lý và trả lại. Chi tiết cụ thể các phần này có hình ảnh hiện trạng đã chụp, ghi chép và hoàn thành thực tế.