+Aa-
    Zalo

    Dự án trùng tu Chùa Cầu được đánh giá cao, có thể nhận giải thưởng quốc tế

    (ĐS&PL) - Với dự án trùng tu bài bản, thận trọng, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng trong tương lai, dự án trùng tu Chùa Cầu có thể nhận được những giải thưởng quốc tế.

    Sau hơn một năm rưỡi trùng tu, diện mạo mới của Chùa Cầu (một trong những biểu tượng của phố cổ Hội An, tại tỉnh Quảng Nam) khiến dư luận có phần bất ngờ, xuất hiện nhiều ý kiến khen chê.

    Bên cạnh những lời khen công trình sau trùng tu vẫn giữ được nguyên bản gốc, có một số ý kiến trái chiều cho rằng di tích sau trùng tu “như làm mới”, không còn nét cổ kính mà mang vẻ hiện đại nhiều hơn.

    Diện mạo mới của Chùa Cầu nhìn từ trên cao. Ảnh: hoianheritage.net

    Diện mạo mới của Chùa Cầu nhìn từ trên cao. Ảnh: hoianheritage.net

    Được các chuyên gia đánh giá rất cao

    Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn khẳng định tổng quan công trình đã thực hiện đảm bảo đúng hồ sơ giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu. Lần đại trùng tu này đem đến sự vững bền cho di tích, giữ được các yếu tố gốc tối đa nhất, theo Tiền Phong.

    Trong quá trình triển khai, bộ phận chức năng tháo gỡ từng viên ngói, cấu kiện gỗ đều có đánh dấu, mời các chuyên gia thẩm định hiện trạng cấu kiện còn được bao nhiêu phần trăm, sử dụng được phần nào, phần nào bỏ đi đều có biên bản cụ thể. Bộ phận nào hư hỏng, mục ruỗng không đảm bảo cho an toàn công trình thì mới tháo bỏ, còn lại từng viên ngói, viên gạch, từng thanh gỗ có thể sử dụng được đều tuân thủ giữ lại các yếu tố gốc. Vào công trình thấy có ngói cũ, ngói mới, có gỗ mới, gỗ cũ. Đó là theo nguyên tắc trùng tu và đều được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao.

    Cũng theo ông Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn. tiếp thu những ý kiến trái chiều về màu sơn mới của Chùa Cầu, thành phố Hội An đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện việc sơn lại đường viền màu trắng, phần tiếp giáp giữa mố cầu và mặt cầu cho sậm hơn. Nhìn toàn cục, màu sơn của Chùa Cầu sau khi được trùng tu vẫn đảm bảo được màu truyền thống. Còn màu thời gian thì phải qua một vài mùa mưa nắng, mới giống như màu cũ trước khi trùng tu.

    “Nguyên tắc sống còn trong trùng tu di tích nói chung và di tích Chùa Cầu nói riêng là là đảm bảo yếu tố hài hòa, chân xác, đảm bảo các giá trị cốt lõi của di tích đã được thực hiện một cách, chặt chẽ, khoa học, được các chuyên gia đánh giá cao”, Báo Tin Tức dẫn lời ông Nguyễn Văn Sơn.

    Chùa Cầu trước và sau cuộc đại trùng tu. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Chùa Cầu trước và sau cuộc đại trùng tu. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Có khả năng nhận giải thưởng

    Cũng chia sẻ về dự án trùng tu chùa Cầu, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - khẳng định dự án trùng tu di tích Chùa Cầu là dự án trùng tu được thực hiện khoa học, bài bản, thận trọng nhất từ trước tới nay.

    "Những người thực hiện trải qua quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án, hạ giải thi công, làm nhà bao che, thi công... lên tới 5 năm. Chưa có dự án tu bổ di tích nào tổ chức 5-6 hội thảo khoa học bàn về quá trình tu bổ di tích này từ việc hạ giải hay không, khi trùng tu làm mặt cầu cong hay không… Khi thực hiện trùng tu, nhà bao che công trình cho phép du khách, người dân quan sát quá trình tháo dỡ, tu bổ di tích. Hiếm thấy dự án tu bổ ở Việt Nam làm được điều này", PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh, theo Tiền Phong.

    Xung quanh những phản ánh trên mạng xã hội, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh: "Rêu phong tạo ra vẻ cổ xưa, hoài niệm nhưng lại là yếu tố gây hại cho di tích, di sản. Sau khi quét sơn nhìn như mới nhưng vài năm sau với điều kiện thời tiết Việt Nam, di tích sẽ rêu phong trở lại. Nếu đã quét lại sơn, di tích trông sẽ mới. Việc quét sơn được thực hiện dựa trên những nghiên cứu rõ ràng, không phải ai thích thì làm nấy”.

    PGS.TS Đặng Văn Bài. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    PGS.TS Đặng Văn Bài. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Với dự án trùng tu bài bản, thận trọng này, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng trong tương lai, dự án trùng tu Chùa Cầu có thể nhận được những giải thưởng quốc tế. Trước đó, Hội An đã nhận được giải thưởng với đề án bảo tồn phố cổ. Dự án trùng tu Chùa Cầu nếu được trình bày bài bản có khả năng nhận được giải thưởng.

    Trước khi dự án trùng tu được triển khai, vào năm 2019, chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, phải tiến hành chống đỡ mố cầu, trụ cầu. Nhiều cột và kèo có dấu hiệu bị hư hỏng. Lượng khách qua lại cũng phải giới hạn từng đợt.

    Dự án trùng tu chùa Cầu hiện đã hoàn thành và sẽ đưa vào khánh thành vào chiều 3/8/2024 nhân sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/du-an-trung-tu-chua-cau-uoc-anh-gia-cao-co-the-nhan-giai-thuong-quoc-te-a451792.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan