ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) bày tỏ, để kiểm soát tham ô, tham nhũng trong bộ máy chống tham nhũng cần trao quyền lực nhưng cũng phải kiểm soát quyền lực.
Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet liên quan đến nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và nguyên Cục trưởng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa.
TAND tỉnh Phú Thọ đã đưa 92 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" ra xét xử sơ thẩm.
Vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang được xét xử tại TAND Phú Thọ thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua. |
Từ câu chuyện xét xử ông Phan Văn Vĩnh, cho thấy có một điều đáng buồn người làm trong bộ máy chống tham ô, tham nhũng nhưng lại tham ô, tham nhũng. Đây cũng không phải trường hợp duy nhất mà trước đó cũng có nhiều vụ án khác, những người có chức, có quyền lợi dụng chức vụ để vi phạm pháp luật. Vậy, một câu hỏi được đặt ra là cơ chế nào để kiểm soát vấn đề này?
Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn về việc làm thế nào để kiểm soát tham ô, tham nhũng trong chính bộ máy chống tham ô, tham nhũng.
Vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang được xét xử tại TAND tỉnh Phú Thọ, cá nhân đại biểu có suy nghĩ gì quanh vụ xét xử này?
Vụ án này được đưa ra xét xử cho thấy rõ được chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng là không có vùng cấm. Đây là vụ án nhận được sự quan tâm của dư luận, cũng là một bài học đắt giá và hết sức đau đớn không chỉ cho ngành Công an mà còn cho hầu hết các cán bộ cao cấp.
Từ vụ án này, làm sao mỗi cán bộ giữ được tính kỷ luật của đảng viên, không vi phạm những điều đảng viên không được làm, những điều cấm. Đây chính là điều quan trọng nhất, chúng ta không cần nói gì thêm vì đã được quy định cụ thể trong các điều lệ của Đảng.
Theo ông, cần có cơ chế như thế nào để kiểm soát tham ô, tham nhũng trong bộ máy chống tham ô, tham nhũng?
Điều này thì Bộ Chính trị đã rất băn khoăn và đặc biệt quan tâm. Đó là trao quyền lực nhưng cũng phải kiểm soát quyền lực. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới có rất nhiều việc để làm, kiểm soát quyền lực ở tất cả các vị trí, kể cả vị trí có quyền lực lớn, hay ở cả những vị trí chống tham nhũng.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ với PV. |
Đại biểu có nói rằng cơ chế để kiểm soát quyền lực là “trao quyền lực nhưng cũng phải kiểm soát quyền lực”. Vậy, có cách nào cụ thể hơn để kiểm soát quyền lực?
Cần kiểm tra chéo, giám sát chéo quyền lực, như trong một cơ quan đơn vị sẽ có các bộ phận giám sát chéo lẫn nhau. Như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ có những nhận định, đánh giá, điều chỉnh tốt hơn để không có những đối trọng.
Trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cũng đưa ra nhiều giải pháp về phòng và chống tham nhũng. Cá nhân đại biểu còn băn khoăn gì trong dự thảo luật này?
Luật Phòng chống tham nhũng nói riêng và công cuộc phòng chống tham nhũng nói chung vô cùng khó, phức tạp và vô cùng cam go. Đòi hỏi chúng ta cần phải làm thường xuyên, liên tục, bởi những vấn đề tham nhũng, lạm dụng xảy ra song song với sự phát triển của xã hội. Vì thế, đây là công việc hết sức quan trọng nhưng cũng cần có thời gian.
Còn vấn đề “tham nhũng vặt” hiện nay đang nói nhiều đến tiền mặt, gây nhũng nhiễu, tạo khó khăn phải có phong bì mới giải quyết việc. Nhưng, biểu hiện của tham nhũng còn rộng hơn rất nhiều, bao gồm cả tham nhũng chính sách, thời gian, quyền lực… Vì thế, vấn đề tham nhũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Nên để giải quyết vấn đề này, cần phải vừa làm vừa đánh giá, điều chỉnh sao cho phù hợp với sự thay đổi và phát triển của xã hội.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Theo Người Đưa Tin