(ĐSPL) - “Trận lũ nhân tạo” do sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 gần như đẩy người dân vào cảnh đói nghèo, khi thành quả lao động trong nhiều tháng qua đứng trước nguy cơ mất trắng, không thể khôi phục được.
Bốn ngày sau vụ vỡ đê quây thủy điện Ia Krêl 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai), cuộc sống khó khăn của các hộ dân ở làng Ó, Mook Đen, làng Bi lại như chồng chất thêm, thành quả lao động trong nhiều tháng qua đứng trước nguy cơ mất trắng, cái đói đang hiển hiện trước mắt…
Theo ghi nhận tại vùng hạ du của thủy điện Ia Krêl 2, hàng trăm hecta hoa màu của người dân bị nước lũ tàn phá tan hoang. Những cây mì bật gốc nằm la liệt; những hàng cao su ngã rạp; nhiều nền nhà chỉ còn lại những hố cột minh chứng cho sự tồn tại của ngôi nhà.
Một vùng thung lũng xã Ia Dom chìm trong biển nước. Ảnh: LĐO |
Trận “lũ nhân tạo” do sự cố vỡ đập thủy điện vào ngày 1/8 đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho người dân so với sự cố vỡ đập lần đầu vào tháng 6/2013. Nhiều hộ dân chỉ biết kêu trời khi nhìn hàng chục hecta hoa màu bị dòng nước đỏ ngòm, hung hãn cuồn cuộn đổ về cuốn đi.
Anh Lê Đôn Huỳnh, trú tại làng Ó vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Khoảng 8h sáng, nhìn dòng nước dâng cao rất nhanh, kèm theo đó là tiếng nước đổ về ầm ầm, chúng tôi vội chạy lên đồi cao tránh lũ. Chỉ trong tích tắc, gần 2ha mì của gia đình cũng bị nước cuốn ngã, trốc gốc”.
Nhiều diện tích cây mì bị bật gốc nằm la liệt. Ảnh: GLO |
Cũng cùng nỗi lo lắng, ông Kuih Bin, trú ở làng Ó cho biết: “Năm ngoái, rẫy mì của mình cũng bị lũ cuốn nhưng nhận đền bù chỉ một ít, năm nay mới làm xong cỏ lần đầu lại bị nước cuốn đi hết. Sắp đến, gia đình biết lấy gì để ăn?”
Ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho hay: “Theo thống kê, sự cố vỡ đập Ia Krêl 2 lần hai đã gây thiệt hại cho 179 hộ dân. Thiệt hại về hoa màu, cây trồng là 365ha. Trong đó, hơn 259ha mì, 51,7ha điều, 9,8ha cao su, 1.690 trụ tiêu, 35,5ha lúa… và gần 30 chòi rẫy bị nước lũ ngập, cuốn trôi làm hư hại cùng nhiều vật dụng, tài sản khác”. Thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ lần này thuộc về Công ty 72 thuộc Binh đoàn 15. Theo Đại tá Phạm Văn Giang, Giám đốc Công ty 72, chỉ riêng Đội 20 đã bị thiệt hại 65ha cao su năm thứ 4. Trong đó, 30ha bị hư hại hoàn toàn, không có khả năng khôi phục. Ước tính, tổng thiệt hại do vụ vỡ quây đê lên đến hàng tỷ đồng.
Nhiều hộ dân không có điện do cột điện bị ngã đổ. Ảnh: GLO |
Sau khi xảy ra sự cố vỡ đê quây Thủy điện Ia Krêl 2, nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn bị cô lập, chia cắt trong khu vực cầu treo làng Ó. Từ sáng ngày 1/8, toàn bộ nguồn điện lưới ở đây đã bị cắt do nước lũ đã làm gãy đổ cột điện, đứt dây điện. Bên cạnh đó, nguồn nước giếng sinh hoạt không thể sử dụng do bị nước lũ tràn vào.
Cũng theo ông Ngô Hữu Thiện, sự cố đập thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ, gây ra trận “đại hồng thủy” chắc chắn sẽ đẩy người dân vào cảnh đói nghèo.
Sáng ngày 3/8, Bộ Xây dựng gửi văn bản đề nghị thanh tra chất lượng công trình xây dựng thủy điện Ia Krel 2 sau vụ vỡ đập lần thứ 2 vào mờ sáng ngày 1/8. Theo Bộ Xây dựng, việc đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) bị vỡ tại đúng vị trí cũ là rất nghiêm trọng. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai giao cho Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh tra, xác định nguyên nhân vỡ đập thủy điện Ia Krel 2. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. |