Chiếc túi màu xanh trong phòng Cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN
Dân Việt đưa tin, theo thông tin từ kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo kết luận điều tra, chiều 19/4/2021, Phan Quốc Việt (chủ tịch, giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á - Công ty Việt Á) nhắn tin hẹn gặp ông Tạc ở phòng làm việc tại trụ sở Bộ KH&CN. Ông Tạc đồng ý.
Đến cổng trụ sở này, Việt đăng ký với cổng bảo vệ để lấy thẻ đi vào trụ sở, sau đó đi cầu thang bộ lên thẳng phòng làm việc của ông Tạc ở tầng 3. Trước khi đến, Việt chuẩn bị một túi màu xanh có in địa chỉ website và hotline của Công ty Việt Á, bên trong có 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng), cùng một vài bộ khẩu trang và chai nước rửa tay.
Tại đây, Việt và ông Tạc cùng ngồi tại bàn uống nước. Giám đốc Việt Á để túi màu xanh đựng tiền ở chân ghế.
Sau khoảng 30 phút nói chuyện, Việt cầm túi màu xanh đặt lên bàn và nói với ông Tạc: "Em cám ơn anh, anh tạo điều kiện cho bọn em đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình, nếu tình hình tốt thì sắp tới em ghé thăm anh nữa".
Nghe lời cảm ơn từ Việt, ông Tạc liền đáp: "Cám ơn chú, tớ vì việc chung thôi". Sau đó, Việt bỏ một số chai nước rửa tay, khẩu trang ra giới thiệu sau đó đi về.
Liên quan đến chi tiết này, dù cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN khai chỉ nhận của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt 100 triệu đồng, nhưng CQĐT cho rằng, đủ căn cứ xác định ông Phạm Công Tạc nhận của bị can Việt 50.000 USD.
CQĐT cũng cho rằng, ông Phạm Công Tạc không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với ông Phan Quốc Việt về việc đưa, nhận tiền; không gây khó khăn nhằm mục đích để ông Việt phải đưa tiền.
Việc ông Phạm Công Tạc nhận tiền được xác định là yếu tố “vì vụ lợi”, quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 219 Bộ luật hình sự và hành vi của ông Phạm Công Tạc đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Hành vi này gây thiệt hại tài sản Nhà nước 18,98 tỷ đồng, là số tiền ngân sách Nhà nước cấp để phục vụ nghiên cứu Đề tài, là giá trị tối thiểu của tài sản hình thành quả nghiên cứu Đề tài nghiên cứu test xét nghiệm.
Ông Tạc cũng liên đới gây thiệt hại tài sản Nhà nước (toàn bộ số tiền gây thiệt hại và hưởng lợi bất chính của Công ty Việt Á từ việc tiêu thụ test xét nghiệm), theo Vietnamnet.
Quá trình gây thiệt hại tài sản Nhà nước
Ông Phạm Công Tạc giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ KH&CN từ ngày 16/8/2014 đến ngày 6/6/2022. Bị can được Bộ trưởng phân công theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện Đề tài nghiên cứu test xét nghiệm. Đây là đề tài do Bộ KH&CN giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu.
Kết luận điều tra cho rằng, ông Phạm Công Tạc biết rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm đại diện chủ sở hữu cho đến khi nghiệm thu, báo cáo với cơ quan thẩm quyền.
Ông Tạc cũng biết việc Công ty Việt Á quản lý, khai thác và sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không đúng quy định của pháp luật, xâm hại quyền sở hữu, quản lý tài sản của Nhà nước do Bộ KH&CN là đại diện chủ sở hữu.
Dù vậy, bị can đã không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý theo quy định mà còn ký quyết định thành lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài để hội đồng họp và có biên bản nghiệm thu đánh giá, đề nghị Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm.
Từ đó, Công ty Việt Á sử dụng biên bản nghiệm thu này để lập hồ sơ đăng ký và được Bộ Y tế cấp sổ đăng ký lưu hành test xét nghiệm trái quy định của pháp luật.
CQĐT xác định, ông Phạm Công Tạc còn đề xuất và chủ trì tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí về kết quả nghiên cứu đề tài, thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng test xét nghiệm cho Công ty Việt Á; Hỗ trợ truyền thông, quảng bá hình ảnh, tạo điều kiện để Công ty Việt A biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á.
Việc này giúp Công ty Việt Á sản xuất, kinh doanh, thu lợi bất chính, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân (toàn bộ số tiền hưởng lợi trái phép của Công ty Việt Á), dẫn thông tin trên VietNamnet.
Bộ KH&CN giúp quảng bá hình ảnh cho Công ty Việt Á
Báo Tuổi trẻ đưa tin, cơ quan điều tra kết luận có đủ cơ sở xác định trong quá trình nghiệm thu, chuyển giao, thông tin tuyên truyền và khen thưởng đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm của Việt Á, một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo tại Bộ KH&CN đã có sai phạm.
Theo kết luận, các cá nhân tại bộ này đã tự ý đưa Công ty Việt Á tham gia phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu, sản xuất test xét nghiệm. Bộ cũng khen thưởng và đề nghị khen thưởng cho Việt Á không đúng đối tượng, thành tích, công trạng.
Đồng thời phía Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bị cho là đã "thông tin tuyên truyền không đúng sự thật, giúp hỗ trợ truyền thông, quảng bá hình ảnh cho kit xét nghiệm và Công ty Việt Á".
"Các hành vi nêu trên tạo điều kiện để Công ty Việt Á biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước, thành sản phẩm thuộc sở hữu của công ty; sản xuất thương mại hóa thu lời bất chính, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước, với số tiền 18,98 tỉ đồng", kết luận nêu.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cáo buộc ông Chu Ngọc Anh (với vai trò bộ trưởng Bộ KH&CN) có yếu tố vụ lợi, nhận 200.000 USD (tương đương hơn 4,6 tỉ đồng) do Phan Quốc Việt đưa.
Bảo An(T/h)