+Aa-
    Zalo

    Vụ Việt Á: Vì sao nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự?

    (ĐS&PL) - Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an căn cứ điểm c khoản 2 điều 29 bộ luật Hình sự và điểm b khoản 3 điều 5 Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để miễn trách nhiệm hình sự cho nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

    Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự

    Thông tin mới nhất trên VTC News, theo thông tin từ kết luận điều tra vụ Việt Á, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn biết kit xét nghiệm là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ KH&CN giao Học viện Quân y chủ trì, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; các hồ sơ, tài liệu do Công ty Việt Á cung cấp không đầy đủ theo quy định về quản lý trang thiết bị y tế.

    Tuy nhiên, do tham mưu của ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký sinh phẩm chẩn đoán Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho Công ty Việt Á.

    Kit test sau đó vẫn thuộc quyền sở hữu của Bộ KH&CN, Bộ này chưa có quyết định giao quyền sở hữu cho Công ty Việt Á. Thế nhưng, ông Nguyễn Trường Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho Việt Á.

    Khai với cơ quan điều tra, ông Nguyễn Trường Sơn thừa nhận Công ty Việt Á chưa đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành nhưng ông ký cho lưu hành tạm thời nhằm kịp có kit xét nghiệm phục vụ phòng chống COVID-19.

    "Nhận thức pháp luật hạn chế, không được theo dõi về quy trình thẩm định nên chưa tiếp cận hồ sơ của Công ty Việt Á", ông Nguyễn Trường Sơn nói thêm. Vì thế, ông Nguyễn Trường Sơn không nhận thức được doanh nghiệp này không đủ điều kiện đăng ký lưu hành kit xét nghiệm.

    vu viet a vi sao nguyen thu truong nguyen truong son duoc mien trach nhiem hinh su
     Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: VTC News

    Liên quan đến việc ký quyết định cấp số lưu hành chính thức cho Việt Á, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khai Hội đồng tư vấn và Vụ Trang thiết bị và Công trình có báo cáo thể hiện doanh nghiệp đủ điều kiện cấp số. 

    Thời điểm này, ông Nguyễn Trường Sơn biết Công ty Việt  Á còn thiếu một số điều kiện nhưng do "tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khẩn cấp" lại thêm Chính phủ chỉ đạo khẩn trương có sinh phẩm phòng, chống dịch nên vẫn ký quyết định cấp số lưu hành chính thức.

    Ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định không được hưởng lợi từ Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) hoặc Công ty Việt Á và không có động cơ cá nhân khi ký các quyết định liên quan doanh nghiệp này, theo thông tin trên báo Thanh Niên.

    Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an, hành vi của ông Nguyễn Trường Sơn đã giúp Công ty Việt Á sử dụng số đăng ký lưu hành chính thức để sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép và gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, có dấu hiệu tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

    Tuy nhiên, C03 cho rằng việc nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành không phải nhiệm vụ thường xuyên (thuộc chức năng, nhiệm vụ của Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhưng ông Cường đề xuất phân công người khác nên Bộ Y tế phân công ông Sơn ký), không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á và không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.

    Ông Nguyễn Trường Sơn đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỷ luật cảnh cáo về chính quyền theo quyết định của Thủ tướng.

    Do đó, C03 căn cứ điểm c khoản 2 điều 29 bộ luật Hình sự và điểm b khoản 3 điều 5 Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Trường Sơn, không khởi tố điều tra, không đề nghị truy tố.

    Công ty Việt Á đã chi bao nhiêu tiền cho việc hối lộ?

    Báo Dân Trí đưa tin, trong kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Phan Quốc Việt tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

    Theo kết luận của cơ quan điều tra, với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu test xét nghiệm, sau đó chiếm đoạt, biến kit test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Việt đã thông đồng, câu kết với nhiều cá nhân, cán bộ, lãnh đạo tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế... để được sản xuất thương mại kit test.

    Mức giá mà Công ty Việt Á đưa ra là  470.000/test, được Bộ Y tế hiệp thương giá dù không có căn cứ. Theo Bộ Công an, số test xét nghiệm mà Việt Á đã sản xuất trong năm 2020 và 2021 là hơn 8,7 triệu test.

    Ngày 17/12/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra Quyết định tổ chức thực nghiệm điều tra việc sản xuất test xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Nhà chức trách đã thực nghiệm điều tra, tổ chức cho những người tham gia tiến hành lại toàn bộ quá trình sản xuất một lô test xét nghiệm COVID-19.

    vu viet a vi sao nguyen thu truong nguyen truong son duoc mien trach nhiem hinh su
     Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt. Ảnh: Thanh Niên

    Căn cứ kết quả thực nghiệm, kết quả điều tra tại Bộ Y tế và hồ sơ, tài liệu, hóa đơn... của Việt Á trong việc sản xuất test..., Bộ Công an xác định giá thành sản xuất một test xét nghiệm của Việt Á khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh chỉ là 143.461 đồng.

    Trong đó, chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp là hơn 41.000 đồng; chi phí nhân công là hơn 32.000 đồng; chi phí sản xuất chung gần 28.000 đồng, chi phí bán hàng hơn 16.000 đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 8.000 đồng; chi phí tài chính hơn 4.000 đồng; lợi nhuận dự kiến (cam kết chỉ 5%) là 6.506 đồng; thuế (5%) là hơn 6.800 đồng.

    XEM THÊM: Nhận “quà cảm ơn” từ Giám đốc Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh không biết trong túi có tiền

    Sẽ xem xét miễn tội cho những người không vụ lợi trong vụ Việt Á

    Theo thông tin trên báo Dân Trí, kết quả điều tra xác định, trong tổng số hơn 8,7 triệu test mà Công ty Việt Á sản xuất, doanh nghiệp này đã bán/tặng/ứng trước hơn 8,3 triệu test và được thanh toán gần 6 triệu test (tương đương hơn 2.257 tỷ đồng).

    Đối chiếu với chi phí thực để sản xuất một test (143.461 đồng), Bộ Công an xác định số tiền Công ty Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.235 tỷ đồng.

    Ngoài ra, quá trình sản xuất, bán test, nhà chức trách còn cáo buộc Việt và đồng phạm đã vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 400 tỷ đồng.

    Theo kết luận điều tra, Phan Quốc Việt đã chi hơn 106 tỷ đồng để đưa hối lộ. Trong đó, hơn 70 tỷ đồng được Chủ tịch Việt Á đưa cho các lãnh đạo bộ, địa phương để cảm ơn, bôi trơn.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-viet-a-vi-sao-nguyen-thu-truong-nguyen-truong-son-duoc-mien-trach-nhiem-hinh-su-a587427.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nhận “quà cảm ơn” từ Giám đốc Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh không biết trong túi có tiền

    Nhận “quà cảm ơn” từ Giám đốc Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh không biết trong túi có tiền

    Theo kết luận, Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch, Giám đốc Công ty Việt Á) mang túi tiền 200.000 USD đến để "cảm ơn" ông Chu Ngọc Anh. Đến cuối tháng 9/2020 (tức khoảng 1 tháng sau khi nhận “quà cám ơn”), khi dọn phòng làm việc để chuyển về UBND Hà Nội nhận chức Chủ tịch thành phố, ông Chu Ngọc Anh mới kiểm tra và thấy trong túi quà mà Phan Quốc Việt đưa có tiền.