(ĐSPL) – Mỗi lần bước vào thang máy, cư dân tòa nhà NA5 tim như ngừng đập khi nghe thấy tiếng kèn kẹt của gỉ sắt, ốc lỏng, cánh cửa thì cứ mở ra, đóng vào bất thường.
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, khoảng 8h sáng ngày 30/6 người dân sống tại tòa nhà N5A, đường Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) nghe thấy tiếng kêu thất thanh từ câu thang 1 tòa nhà, khi chạy tới kiểm tra thì đã thấy một bảo vệ tử vong.
Nạn nhân được xác định là ông ông Trần Huy Tuấn (51 tuổi, quê Phú Thọ) là bảo vệ tòa nhà N5A do bước hụt chân vào thang máy hỏng đã rơi từ tầng 7 xuống đất tử vong.
Ông Nguyễn Như Kết - Tổ trưởng tổ dân phố tòa nhà N5A |
Trước cái chết thương tâm của ông Tuấn, người dân ở đây vô cùng bức xúc và phẫn nộ, ông Nguyễn Như Kết (SN 1964, tổ trưởng tổ dân phố) cho biết: “Cách đây khoảng 3 tuần khi cầu thang máy bị hỏng, tôi đã trình báo Ban quản lý tòa nhà nhưng họ chỉ gật đầu “im lặng”.
Vì vậy, tôi đã làm đơn trình báo. Thế nhưng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nói với chúng tôi rằng từ 1/4 sẽ không bảo dưỡng thang máy. Họ nói theo quy định, những hộ ở tòa nhà N5A phải tự bỏ tiền ra sửa chữa bất cứ hỏng hóc nào trong chung cư, bà con cũng nhất trí mỗi hộ đóng góp một khoản tiền để sửa chữa thang máy, ai ngờ thang máy chưa kịp sửa đã xảy ra sự việc kinh hoàng như vậy”.
Tiếp lời vị tổ trưởng tổ dân phố, ông Lê Hùng (SN 1953) cho biết: “Trước đây cũng tại thang máy đó, có lần 3 người bị tụt nhanh từ tầng 3 xuống tầng 1 trong thang máy, may mà không bị làm sao. Còn tôi mỗi lần bước vào thang máy là tim như ngừng đập khi nghe thấy tiếng kẹt kẹt của gỉ sắt, lỏng ốc, cánh cửa thì cứ mở ra, đóng vào bất thường. Vợ chồng tôi thì già rồi đi bộ từ tầng 7 xuống tầng 1 rất khó khăn, mà đi thang máy thì không biết tính mạng của mình sẽ ra sao? Nếu cứ tiếp tục tình trạng này có khi tôi sẽ bán nhà”.
Người dân xót thương, lập bàn thờ thắp hương cho nạn nhân xấu số. |
Được biết, khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính (gồm các tòa nhà N5A, N5B, N5C) phần lớn là dân tái định cư sau dự án thu hồi đất ở đường Khuất Duy Tiến để mở đường vành đai 3.
Chị Nguyễn Thị H. - một trong những cư dân đầu tiên trong chương trình tái định cư, chia sẻ: “Cứ nghĩ rằng về khu đô thị thì cuộc sống sẽ văn minh hơn, không ngờ rằng chúng tôi phải đối mặt với sự thiếu thốn đủ đường từ trường học cho đến các vấn đề về dân sinh, dịch vụ tòa nhà. Đặc biệt là thang máy, hư hỏng lâu rồi mà không thấy sửa chữa gì, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng ngày của chúng tôi”.
Nhiều người tỏ ra thương tâm trước cái chết của ông Tuấn. |
Chị H. cho hay, hai cầu thang ở tòa nhà này đều bị hỏng, khi đi lên bấm cánh cửa vào thì nó tự đóng vào mở ra gần như không kiểm soát được. "Cầu thang bị hỏng vẫn để cho người dân sử dụng, nhất là con nít và trẻ em. Nói đúng ra, nếu tôi là bác bảo vệ tôi cũng bước vào vì thang máy đã khớp lệnh mở ra. Cho nên, theo phản xạ tự nhiên thì thang máy mở cửa ngay lập tức chân sẽ bước vào. Cho nên ông Tuấn chết oan uổng quá”, chị H. xót xa.
Không kìm nén được cảm sự đau lòng, anh Lê Văn T. cho biết: “Sáng sớm tôi vừa ngồi uống trà với với anh Tuấn, anh ấy còn bảo: “Người ta cho anh cái bánh mỳ từ tối qua, anh mệt không ăn chú ăn đi”, rồi năn nỉ tôi cầm lấy, ai ngờ đó cũng là lần cuối tôi gặp anh ấy”.
Trước cái chết của nhân viên bảo vệ xấu số, cư dân trong tòa nhà N5A nói riêng, nhiều người dân nói chung đều đặt ra câu hỏi: Ngay nhân viên bảo vệ, người biết rõ nhất về việc thang máy hư hỏng mà vẫn thiệt mạng thì người dân bình thường phải đối mặt với việc sử dụng thang máy như thế nào? Trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thang máy thuộc về đơn vị, tổ chức nào?
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc trên.