Nhận định và phán quyết của tòa sơ thẩm
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 15/5/2023, TAND TP Hà Nội đã ra Bản án số 03/2023/LĐST vụ án Tranh chấp về Đơn phương chấm dứt HĐLĐ và bồi thường thiệt hại. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Bùi Thị Thu Hồng.
Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thái Hà (SN 1978, trú tại Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội).
Trước đó bà Hà đã có đơn khởi kiện bị đơn là Tổ chức ChildFund Australia, người đại diện theo ủy quyền là Văn phòng đại diện ChildFund Australia tại Việt Nam (gọi tắt là ChildFund Việt Nam) địa chỉ tại Tầng 5, Tòa nhà Vinafor, số 127 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo nội dung bản án, bà Hà kiện ChildFund Việt Nam đã có những vi phạm trong quá trình đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà. Cụ thể đơn vị này đã không báo trước ít nhất 45 ngày về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 38 Bộ Luật Lao động năm 2012.
Đồng thời, theo nội dung khởi kiện của nguyên đơn ChildFund Việt Nam đã có những vi phạm trong quá trình chấm dứt Hợp đồng lao động với bà Hà. Cụ thể, theo Điều 44 Bộ Luật Lao động năm 2012 đơn vị này đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu. Với lý do khó khăn sau dịch Covid-19, ChildFund Việt Nam chấm dứt HĐLĐ với bà Hà, người lao động đã gắn bó gần 7 năm với vị trí công việc, nhưng sau đó lại tái cơ cấu tuyển dụng nhiều nhân sự vào vị trí công việc bà Hà có thể đảm nhận…
Thời điểm phiên tòa sơ thẩm diễn ra, phía nguyên đơn giữ nguyên các yêu cầu khởi kiện. Bà Hà yêu cầu Tòa án hủy Quyết định chấm dứt HĐLĐ của ChildFund Việt Nam và yêu cầu đơn vị này phải bồi thường thiệt hại cho người lao động.
HĐXX TAND TP Hà Nội nhận định, ChildFund Việt Nam ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 200828/QĐ-CF ngày 28/8/2020 đối với bà Nguyễn Thị Thái Hà là có căn cứ và đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định tại Điều 44, Điều 46, Điều 49 Bộ Luật Lao động 2012.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử kết luận: Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 200828/QĐ-CP ngày 28/8/2020 của Văn phòng đại diện ChildFund Việt Nam là hợp pháp. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu huỷ Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Nguyễn Thị Thái Hà. Tòa quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu hủy Quyết định số 200828/QĐ-CF ngày 28/08/2020 về việc chấm dứt hợp đồng lao động của Văn phòng đại diện ChildFund Australia tại Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Thái Hà.
Đồng thời, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thái Hà về yêu cầu Văn phòng đại diện ChildFund Australia tại Việt Nam thanh toán, bồi thường các khoản tiền do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với bà Hà, tổng số tiền là 3.130.202.000 VNĐ (ba tỷ một trăm ba mươi triệu hai trăm linh hai nghìn đồng). Về án phí bà Nguyễn Thị Thái Hà được miễn toàn bộ án phí
Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động
Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Thái Hà đã không đồng tình với nhiều quan điểm của tòa và có đơn kháng cáo. Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội cũng đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Phiên tòa phúc thẩm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/3/2024.
Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, chia sẻ về vụ việc, bà Hà vẫn giữ nguyên quan điểm ChildFund Việt Nam đã vi phạm quy định của pháp luật lao động Việt Nam cũng như chính sách nội bộ của tổ chức trong việc chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Đặc biệt trong nội dung kháng cáo, bà Hà nhấn mạnh căn cứ ChildFund Việt Nam đưa ra để chấm dứt HĐLĐ với bà là không có cơ sở. Cụ thể đơn vị này đã không chứng minh được lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà ChildFund Việt Nam đã tìm mọi cách khắc phục trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Bên cạnh đó, ChildFund Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ thông báo trước việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Hà. Trong đơn kháng cáo, bà Hà cũng trình bày thêm nhiều quan điểm như việc ChildFund Việt Nam cung cấp tài liệu, chứng cứ có dấu hiệu sai sự thật, gian dối… nội dung này cần được phiên tòa phúc thẩm xem xét, làm rõ.
Trên cơ sở các phân tích, nguyên đơn đã kháng cáo đối với toàn bộ Bản án Sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp Phúc thẩm hủy Bản án Sơ thẩm.
Trao đổi thêm về vụ việc, Luật sư Vũ Thị Kiều Anh (Công ty luật TNHH Tâm Anh thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) người sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm cũng bày tỏ quan điểm về vụ việc như sau: Theo luật sư Kiều Anh bên cạnh vi phạm về thời hạn thông báo cho người lao động biết trước 45 ngày về việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động, ChildFund Việt Nam còn có dấu hiệu Vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng và thực hiện Phương án sử dụng lao động, vi phạm thời hạn quyết định cho thôi việc với nhiều người lao động.
Luật sư nhận định, trước khi đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với bà Hà và 4 người lao động khác, ChildFund Việt Nam phải xây dựng và thực hiện Phương án sử dụng lao động, có sự tham gia và nhất trí với BCH Công đoàn cơ sở, nếu có chỗ làm việc mới thì có nghĩa vụ phải ưu tiên đào tạo lại lao động để tiếp tục sử dụng. Thế nhưng thực tế, ChildFund Việt Nam lại thực hiện trái quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, luật sư cũng bày tỏ quan điểm sẽ cố gắng cung cấp nhiều chứng cứ tài liệu nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
PV