Cụ Nguyễn Chấn, 96 tuổi, trong buổi họp báo tố cáo chính con trai của mình |
Sự tố cáo trong vụ tranh chấp 30.000 tỉ đồng có vẻ chỉ là “cái vỏ” cho việc tranh chấp tài sản thừa kế trong nội bộ gia đình. Vì thế, phân xử thế nào đáng lẽ phải là việc của tòa án.
Bất chấp những ồn ào trong vụ tranh chấp 30.000 tỉ đồng, Nam Á Bank vẫn đang giữ được sự ổn định với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 400 tỉ đồng, tổng vốn huy động đã đạt tới 90% kế hoạch năm và tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát rất tốt, chỉ ở mức 1,85%.
Nhưng nhìn lại vụ tranh chấp, có vẻ, quyết định khởi tố vụ án hình sự đang không chỉ làm xấu xí thanh danh một gia đình từng được coi là giàu nhất nhì Việt Nam mà còn ảnh hưởng không ít đến doanh nghiệp này. Chưa kể nó còn tạo ra những tiền lệ không có lợi cho những tranh chấp tương tự.
Câu chuyện trở nên ồn ào sau khi cụ Nguyễn Chấn, chồng cố đại gia Tư Hường tổ chức hẳn một cuộc họp báo để tố cáo con mình, ông Nguyễn Quốc Toàn tự mở két sắt lấy giấy tờ, tài sản để sang tên đổi chủ nhằm chiếm đoạt khối tài sản ước tính 30.000 tỉ đồng. Cũng ngay sau đó, 3 người con gái “tố” ngược cha mình có hành vi “vu khống”, tiếp tay cho những người khác phá hoại hoạt động kinh doanh của gia đình.
Chi tiết chính của vụ tranh chấp là cách nhìn xung quanh việc “mở két sắt”. Cụ Chấn cho rằng con trai đã đột nhập bất hợp pháp.Trong khi đó, 3 người con gái của cụ lại cho rằng các tài sản mà ông Toàn mua bán, chuyển nhượng là hợp pháp vì đó là tài sản mà bà Tư Hường đã chia cho các con trước khi mất. Còn việc “mở két” thì không thể gọi là “đột nhập bất hợp pháp” hay “lạm dụng lòng tin” vì “gia đình đã giao cho ông Toàn chìa khóa két sắt để phục vụ việc kinh doanh”.
Thật ra, sự tố cáo của người cha chỉ là cái vỏ, cho bản chất là một vụ tranh chấp tài sản trong nội bộ gia đình vốn xảy ra không ít ở Việt Nam. Và đáng lý ra nó phải được giải quyết ở tòa án, trong một vụ kiện dân sự.
Tháng 4.2016, chỉ ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một quyết định quan trọng: Yêu cầu dừng hình sự hóa vụ chủ quán càphê Xin Chào - phát đi một thông điệp mạnh mẽ cam kết bảo vệ sự an toàn của môi trường kinh doanh.
Ngày 16.5, nghị quyết 35 được ban hành với “linh hồn” và việc tháo gỡ, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý và không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Có thể không thực sự điển hình về sự tác động như các vụ Xin Chào, Con Cưng, hay đổi 100 USD phạt 90 triệu... tuy nhiên, việc khởi tố hình sự vụ tranh chấp 30.000 tỉ này thật ra, cũng tạo ra những tiền lệ không có lợi, thậm chí, còn củng cố định kiến cơ quan điều tra làm thay việc của tòa án.
Theo Báo lao động