(ĐSPL) - Nếu người lái xe ô tô không thiệt mạng và có một trong các hành vi vi phạm theo Luật giao thông đường bộ thì người này sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 7-15 năm tù.
Liên quan đến vụ TNGT đường sắt làm 7 người thương vong ở Thường Tín (Hà Nội), PV có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp xung quanh các vấn đề pháp lý của vụ việc.
Thưa Luật sư, Luật sư cho biết người tài xế lái xe điều khiển tai nạn gây tai nạn làm 6 người chết sẽ chịu trách nhiệm gì về vụ việc (còn sống).
Có thể nói vụ tai nạn giao thông đường giữa tàu hỏa và ô tô 5 chỗ xảy ra sáng nay tại Thường Tín, Hà Nội làm 7 người thương vong là một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, vụ này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự.
Vụ việc tai nạn giao thông gây thiệt mạng người tham gia giao thông là vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, để khởi tố vụ án, khởi tố bị can với người gây tai nạn giao thông thì cơ quan điều tra cần làm rõ lỗi của người tham gia giao thông. Nếu người điều khiển chiếc xe 5 chỗ trên không tuân thủ các quy định tại Điều 23, Luật giao thông đường bộ sau đây thì mới có thể bị xử lý hình sự:
"Điều 23. Đi trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt
1. Tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
2. Tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc chuông báo hiệu đã ngừng mới được đi qua.
Hiện trường vụ tai nạn. |
3. Tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.
4. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt và trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
5. Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.".
Nếu người lái xe ô tô 5 chỗ trên không thiệt mạng và có một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 23 Luật giao thông đường bộ (Quy tắc giao thông đường bộ) nêu trên thì người này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 3, Điều 202 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình các nạn nhân bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí chăm sóc phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút với những người bị thương... Đối với những người thiệt mạng thì phải bồi thường tiền chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người mà người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng. Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định tại Điều 609, Điều 610 và Điều 623 Bộ luật dân sự.
Thưa luật sư, người tài xế trên có bị xử lý hình sự hay không?
Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật thì cơ quan điều tra cần phải thu thập các tài liệu, chứng cứ, tiến hành giám định, lấy lời khai nhân chứng, lập sơ đồ hiện trường... để xác định nguyên nhân và hậu quả, đặc biệt là xác định lỗi của các bên liên quan làm căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Vụ việc trên chỉ có thể không khởi tố vụ án hình sự nếu người gây tai nạn đã chết hoặc người điều khiển xe ô tô và người lái tàu đều không có lỗi trong vụ việc tai nạn giao thông đó.
Thưa luật sư ông có thể cho biết trong trường hợp này chiếc xe ô tô 5 chỗ mà trong xe lại chở tới 7 người thì đã vi phạm quy định nào của pháp luật?
Trong trường hợp, nếu đây là xe 5 chỗ mà chở tới 7 người thì theo quy định của pháp luật hiện hành, tài xế xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trên mỗi người vượt quá.
Việc xử phạt người điều khiển xe ôtô chở khách vi phạm lỗi chở quá số người được phép chở của phương tiện được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2014 của chính phủ (sửa đổi khoản 2 Điều 23 Nghị định 171/2013/NĐ – CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) như sau:
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định.
Vào khoảng 5h ngày 24/10, trên tuyến đường Quốc lộ 1A (đoạn qua thôn Văn Giáp, Thường Tín – Hà Nội), xe Honda CRV mang BKS: 30A - 602.25 chở theo 7 người trong lúc băng qua đường tàu do không chú ý quan sát đã bị tàu hỏa tông trực diện. Sau cú va chạm, chiếc ô tô bị húc văng ra ngoài. Hậu quả làm 6 người tử vong, 1 người bị thương nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Lực lượng CSGT số 8 cùng công an huyện Thường Tín đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường phân luồng giao thông, khám nghiệm hiện trường. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) sau khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn nghiêm trọng cũng đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo vụ việc. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo xử lý vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này. |
TƯỜNG VY(Thực hiện)