(ĐSPL) - Trên đường đi làm về, thấy chiếc xe container chết máy khi tàu hỏa sắp chạy đến, anh công nhân gác chắn Trần Hoàng Tùng (đội chắn đường ngang Giáp Bát, công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, Hà Nội) đã nhanh trí giúp cả đoàn tàu chở gần 200 hành khách thoát khỏi một vụ tai nạn thảm khốc.
42 phút căng thẳng
Chúng tôi tìm đến khu vực gác chắn Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) để tìm anh Trần Hoàng Tùng - “người hùng cứu tàu hỏa”. Khi được hỏi về giây phút căng thẳng nhưng cũng đầy quyết đoán của mình, anh Tùng cười hiền: “Người công nhân đường sắt nào cũng vậy thôi. Khi đi qua đường sắt, do bệnh nghề nghiệp dù lúc đó không phải là thời gian trực của mình nhưng ai cũng sẽ quan sát đoạn đường mình đi để kiểm tra xem có chướng ngại vật gì không để có biện pháp xử lý kịp thời. Tôi cũng như anh chị em công nhân khác đã và đang cố gắng làm hết trách nhiệm của mình”.
Anh Tùng bảo, 42 phút đưa chiếc xe container chết máy đang mắc kẹt trên đường ray là giây phút cam go nhất khi anh cùng “nhóm giải cứu” chạy đua với tử thần. Vì nếu không nhanh, không kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường.
Anh Trần Hoàng Tùng. |
Anh Tùng kể: “Lúc đó khoảng 19h ngày 21/9, khi tôi vừa tan ca về nhà qua đoạn đường sắt thuộc thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, nằm trên đường Ngọc Hồi (Thanh Trì) thì phát hiện chiếc xe con- tainer đang chết máy chắn ngang đường ray tàu hỏa. Theo tôi được biết, chỉ một lúc nữa là chuyến tàu SE6 từ ga Thường Tín sẽ tới đây. Kinh nghiệm nhiều năm làm gác chắn, tôi thấy có điều gì đó bất ổn liền hỏi người tài xế xe container thì được biết, xe không thể vượt qua đường tàu do bánh bị treo. Lúc đó, tôi quan sát bên đường phương tiện giao thông khá đông, có hiện tượng ùn tắc nên vội vàng báo cáo cho trực ga biết”. Nhưng gọi mãi cho người trực ca mà không liên lạc được, lo lắng sẽ có tai nạn thảm khốc xảy ra, nhiều người phải hứng chịu, trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, anh Tùng vội chạy xe máy lên trạm chắn H6 tại km10+100, cách đó khoảng 700m để báo người trực ban về sự cố cực kỳ nguy hiểm nằm trên đường Ngọc Hồi (Thanh Trì). Cũng theo anh Tùng, không chỉ có tàu SE6 chuẩn bị tới, còn có tàu SE1 dự kiến xuất phát từ ga Hà Nội lúc 19h30 và sẽ qua đường ngang này vào lúc 19h48. Chính vì thế, khi thông báo về sự cố xong, anh đã ngay lập tức quay lại ứng cứu chiếc xe đang nằm chắn ngang đường tàu.
“Ngay sau đó, tôi cùng nhân viên đường sắt và người dân trong khu vực thực hiện các biện pháp khác để xe con-tainer tiến lên nhưng không được. Lúc ấy trên đường có rất đông người đi lại, mà đó lại là đoạn đường cong nên việc đưa chiếc container chứa đầy hàng ra khỏi đường tàu là việc vô cùng khó khăn. Tôi cùng nhóm giải cứu, những người dân quanh đó quyết định cho xe lùi lại đâm đổ cột trụ của một công ty để lùi vào sân công ty nông sản và nghiên cứu giống cây thuốc. Sau 42 phút đầy căng thẳng cũng như lo lắng, chiếc xe đã tránh xa khu vực đường ray. Có ở vào hoàn cảnh đó, mới thấy thời gian quý đến mức nào”, anh Tùng tâm sự.
Anh Tùng khiêm tốn bảo trong trường hợp đó, bất kỳ công nhân đường sắt nào cũng sẽ làm như anh. Đây là lương tâm và trách nhiệm với nghề nghiệp. Đã có nhiều vụ tai nạn đường sắt thảm khốc chỉ vì một chiếc ô tô hay xe máy chết máy giữa đường. Nên bằng chuyên môn, kinh nghiệm gác chắn hơn 11 năm, anh Tùng có thể biết được hậu quả nếu mình báo tin chậm hoặc không có hướng xử lý phù hợp. Anh cảm thấy vui mừng, hạnh phúc vì gần 200 hành khách trên tàu được an toàn.
Yêu nghề dù khó khăn, vất vả
Khi đưa được chiếc xe container chết máy ra khỏi đường ray, nhìn thấy tàu SE6 đi qua an toàn, anh Tùng và những người dân quanh đó mới thở phào nhẹ nhõm. “11 năm trong nghề, tôi cũng đã gặp phải nhiều trường hợp nguy hiểm. Những lúc khẩn cấp quá, theo phản xạ nghề nghiệp và kinh nghiệm là phải khẩn trương báo ga dừng tàu không thì sẽ rất nguy hiểm”, người đàn ông này nói.
11 năm gắn bó với công việc gác chắn, đã từng làm ở nhiều nơi, anh Tùng luôn hiểu được rằng, ở bất cứ nơi nào thì hai chữ trách nhiệm cũng đều phải được đặt lên hàng đầu. “Nhiều người dân không hiểu được công việc của chúng tôi, chỉ đứng chờ tàu đi qua có vài phút thôi mà bóp còi inh ỏi, thậm chí còn văng tục, chửi bậy một cách vô cớ. Nhưng họ đâu biết được rằng, chúng tôi phải trực 12 tiếng liên tục, mỗi chuyến tàu chạy qua đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ. Nắng lên đến 40 độ vẫn phải đứng ngoài đường, mưa to gió lớn cũng không dám bỏ vị trí dù chỉ một phút. Chúng tôi thường trêu đùa nhau, nắng mưa người ta chạy về nhà còn công nhân gác chắn thì lại lao ra ngoài đường. Nhưng đã yêu nghề thì cũng không nề hà gì chuyện đó. Công nhân chắn tàu chúng tôi mỗi ngày phải trực điện thoại, ghi chép lịch trình của tàu, xác định thời gian tàu chạy qua và kéo rào chắn để đảm bảo tàu được lưu thông an toàn”, anh Tùng nói.
Công việc thầm lặng nhưng mang lại an toàn cho nhiều người. |
Nghe anh Tùng nói, anh Khuất Duy Tiền (tại gác chắn Ngọc Hồi) cũng kể với chúng tôi về những lần bị người dân mắng chửi vô cớ. Thậm chí, nhiều người còn tấn công người gác chắn vì chờ tàu quá lâu. Anh Tiền bảo: “Có lần, vì ngăn không cho một người đàn ông qua đường vì tàu sắp đến, chúng tôi đã bị ông ta tấn công. Vì không muốn làm to chuyện, chúng tôi phải đi vào trạm gác chắn nhưng người đàn ông này vẫn chạy vào tận nơi để dọa. Những lúc ấy, chúng tôi cũng chỉ biết giải thích cho họ về sự nguy hiểm nếu cứ lao qua đường vì tốc độ tàu chạy khoảng 60km/h, nghe tiếng còi thì tưởng chừng như đang cách xa lắm nhưng chỉ vài giây là nó đã băng qua trước mắt rồi. Chúng tôi đã không nhận được lời cảm ơn mà còn bị xúc phạm”.
Không chỉ có vậy, những công nhân gác chắn tàu đêm còn phải đối mặt với những “đệ tử của lưu linh” thích phóng xe với tốc độ cao hoặc quấy rối quanh khu vực họ trực. Hay có những lần, ngồi trong trạm gác chắn nghe thấy tiếng động mạnh, ai cũng hiểu có tai nạn giao thông xảy ra. Họ không ngần ngại chạy ra cứu người, sơ cứu rồi đưa nạn nhân đi cấp cứu.
“Đàn ông thì còn đỡ chứ phụ nữ trực ca đêm mới vất vả. Họ thức cả đêm để đảm bảo an toàn cho người dân. Sau đó về nhà lại phải lo cho gia đình, đưa con cái đi học, có khi chỉ ngủ được có vài tiếng lại phải đi làm nhiệm vụ rồi. Dù vất vả nhưng mỗi khi đổi ca cho nhau, chúng tôi lại động viên nhau bằng những cái bắt tay hoặc nụ cười thân thiện. Dù công việc có vất vả, khó khăn, thu nhập không được là bao nhưng chúng tôi luôn thấy vui mỗi khi nghe tiếng tàu chạy qua mà không có bất kỳ ai gặp nguy hiểm”, anh Tùng tâm sự.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khen thưởng công nhân gác chắn Ngay sau khi biết được anh Trần Hoàng Tùng đã có hành động nhiệt tình, trách nhiệm, cứu đoàn tàu chở gần 200 hành khách tránh tai nạn thảm khốc, ngày 21/9, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt - đã trao bằng khen và số tiền thưởng 2 triệu đồng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho anh Tùng, ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của anh khi phát hiện sự cố và báo tin để dừng tàu kịp thời. |
MAI HẰNG - NGÂN GIANG
Xem thêm video:
[mecloud]PTc7guT1jf[/mecloud]