+Aa-
    Zalo

    Vụ tai nạn 13 người chết ở Lai Châu: Xem xét trách nhiệm những người liên quan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo ý kiến từ luật sư, do cả hai tài xế xe khách và xe bồn đều tử vong nên trách nhiệm hình sự với hai người này sẽ không được đặt ra.

    Theo ý kiến từ luật sư, do cả hai tài xế xe khách và xe bồn đều tử vong nên trách nhiệm hình sự với hai người này sẽ không được đặt ra mà chỉ xem xét đối với những người liên quan khác.

    Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc làm 16 người thương vong xảy ra vào sáng ngày 15/9, tại huyện Tam Đường (Lai Châu), Ths. Ls Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định đây là một vụ tai nạn thảm khốc, đau thương bao trùm lên nhiều gia đình, làng xóm, hậu quả không biết bao giờ mới khắc phục được.

    Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho biết, theo quy định của Luật giao thông đường bộ hiện hành thì tốc độ cho phép ô tô chạy tối đa trong khu dân cư không có giải phân cách cứng là 50km/h.Như vậy, với quy định trên thì người lái xe bồn đã chạy quá tốc độ cho phép.

    “Với một xe bồn chở đầy vật liệu xây dựng mà chạy với tốc độ như vậy thì hệ thống phanh gần như không phát huy tác dụng. Vì chạy quá tốc độ, không làm chủ được tốc độ nên chiếc xe này đã đâm vào xe khách gây tai nạn thảm khốc. Vì vậy lỗi hoàn toàn thuộc về người lái xe bồn”, luật sư Cường nêu quan điểm.

    Ths. Ls Đặng Văn Cường lý giải về khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự của những người liên quan đến vụ tai nạn 13 người chết ở Lai Châu. Ảnh: Người Đưa Tin

    Trong vụ việc này, cơ quan Công an có thể khởi tố vụ án hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260, BLHS năm 2015, để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.

    Trong trường hợp người lái xe bồn bị xác định là có lỗi và vẫn còn sống sau vụ tai nạn thì người này phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 3, điều 260 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù.

    Trường hợp người lái xe gây tai nạn có lỗi nhưng đã chết thì không khởi tố bị can về tội danh này, mà chỉ xem xét đến những người khác còn sống về các trách nhiệm pháp lý có liên quan.

    Luật sư Cường cũng nói thêm, trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ điều kiện tham gia giao thông của chiếc xe bồn, làm rõ danh tính, điều kiện, tiêu chuẩn của người lái xe bồn, việc giao xe và hoạt động điều hành quản lý của doanh nghiệp này. Nếu lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc những người khác có liên quan có lỗi, là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra vụ tai nạn thì tùy vào hành vi cụ thể, những người này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

    Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường đó. Để xảy ra tình trạng chiếc xe bồn chở đầy vật liệu chạy với tốc độ “hủy diệt” (105km/giờ) trong khu dân cư (tốc độ quy định không quá 50km/giờ) mà không bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý trước khi gây tai nạn.

    Về trách nhiệm dân sự, cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông, luật sư Cường cho biết, trước tiên thuộc về người gây ra tai nạn. Nếu người gây ra tai nạn là người của pháp nhân, người làm công học nghề thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân. Vì vậy trong vụ việc này cần xem lại quan hệ pháp luật giữa người lái chiếc xe bồn đó với đơn vị vận tải.

    Tuy nhiên, theo thông tin mới đây thì vụ tai nạn đã khiến 13 người chết tại chỗ, 3 nạn nhân bị thương nặng và hiện đang được chuyển đi cấp cứu tại BV tỉnh Lai Châu. Cả lái xe bồn và xe khách đều tử vong trong vụ tai nạn. Vì vậy câu chuyện trách nhiệm hình sự với hai người lái xe này sẽ không được đặt ra, mà chỉ xem xét tới trách nhiệm hình sự đối với những người khác, về những tội danh khác có liên quan (nếu có),

    Còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về chủ doanh nghiệp có chiếc xe bồn đó (trong trường hợp người lái xe là người làm công, học nghề của doanh nghiệp này).

    Luật sư Cường nói thêm, khi chưa xác định được chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có thể quên góp, ủng hộ gia đình nạn nhân một khoản kinh phí để gia đình lo mai táng, chữa trị, khắc phục kịp thời những khó khăn trước mắt và sớm ổn định đời sống.

    Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc 13 người tử vong tại Lai Châu. Ảnh: Người Đưa Tin

    Trong vụ việc này, ngoài thiệt hại về tính mạng, sức khỏe còn có thiệt hại nghiêm trọng về tài sản đó là giá trị của hai chiếc xe ô tô và hành lý của những hành khách mang theo. Trong trường hợp xác định được chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường dân sự thì chủ thể này phải bồi thường cả những thiệt hại thực tế về tài sản đối với những người khác đã bị thiệt hại trong vụ việc này theo quy định pháp luật.

    Như đã đưa tin trước đó, vào khoảng 9h5 sáng 15/9, tại km 57+400 trên quốc lộ 4D thuộc địa phận bản Tiên Bình (thị trấn huyện Tam Đường, Lai Châu) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

    Cụ thể, xe ô tô tải (loại xe bồn chở bê tông) biển kiểm soát 24C - 06376 của Công ty Vận tải Hoành Sơn (tỉnh Lào Cai) do anh Lò A Liều (SN 1985) trú tại xã Trinh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai va chạm với xe ô tô khách biển kiểm soát 25B-00088 của Doanh nghiệp Tư nhân Ngọc Kông (thành phố Lai Châu) do anh Nguyễn Văn Hảo (SN 1979), trú tại xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ điều khiển cùng di chuyển theo hướng thành phố Lai Châu đến huyện Tam Đường. 

    Thông tin ban đầu do xe bồn chạy quá tốc độ quy định (thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục đường bộ thông báo tốc độ xe bồn lúc 9h10 là 109km/h) đã đâm vào xe khách di chuyển phía trước, khiến hai xe lao xuống suối sâu có nhiều đá tảng. Hậu quả làm 13 người chết và 3 người bị thương nặng đang cấp cứu tại bệnh viện.

    Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, các lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã có mặt kịp thời chỉ đạo huyện Tam Đường, cơ quan chức năng khẩn trương cứu hộ, cứu nạn.

    Danh sách các nạn nhân:

    Tài xế Lò A Liều (SN 1985, trú tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Thời điểm xảy ra tai nạn, anh Liều đã điều khiển xe bồn chở xi măng rời chạy với tốc độ cao 109km/h.

    12 nạn nhân khác tử vong gồm: Lim Thị Bức (trú tại xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu), Nguyễn Văn Hảo (SN 1979, trú tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, là lái xe khách), Nguyễn Đình Thích (SN 1944, trú tại TP. Lai Châu), Đặng Thị Minh Nguyệt (SN 1981, trú tại phường Tân Phong, TP. Lai Châu), Đèo Thị Nguyệt (SN 1949, trú tại phường Đoàn Kết, TP. Lai Châu), Hoàng Thị Hiêng (SN 1994, trú tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu), Lê Văn Đổng (SN 1972, trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), Vũ Văn Thổ (SN 1948, trú tại phường Quyết Tiến, TP Lai Châu), Phạm Tùng L. (SN 2017, trú tại phường Đông Phong, TP. Lai Châu), Lê Ngọc Xuân Sơn (SN 1961, trú tại Hà Nội), Trần Mỳ Dính (SN 1967, trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), Lò Văn Vinh (SN 1999, trú tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu).

    3 người bị thương gồm: Nguyễn Thị Thu Hà (SN 2013), Trần Tú Hường (SN 1990) cùng trú tại phường Đông Phong, TP. Lai Châu), Trần Bình (SN 1983, trú tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội).

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-tai-nan-13-nguoi-chet-o-lai-chau-xem-xet-trach-nhiem-nhung-nguoi-lien-quan-a244164.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan