Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ lùm xùm suất ăn lèo tèo giá 32.000 xảy ra tại Trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), sau một ngày thông báo trường sẽ tạm dừng ăn bán trú. Sáng 19/10, phụ huynh có con học tại đây tiếp tục nhận được thông báo, nhà trường chỉ tạm dừng ăn bán trú 3 ngày (19,20,21/10) và sẽ mở lại bếp ăn bán trú từ ngày 23/10 (thứ 2 tuần tới).
Trước đó, trao đổi với PV bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng trường cho biết, mỗi ngày, đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho nhà trường là Công ty TNHH Thương mại và chế biến suất ăn Hoa Sữa cung cấp từ 450 – 500 suất ăn/ngày.
Với giá 32.000 đồng/suất/bữa ăn là bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT) 8%, nhân công, nhiên liệu, thực phẩm chế biến, khấu hao cơ sở vật chất phục vụ nấu ăn.
Cụ thể, giá thực phẩm là 24.820 đồng, nhân công 3.300 đồng, điện nước 230 đồng, khấu hao tài sản 500 đồng, thuế VAT 2.560 đồng, vệ sinh 320 đồng, lãi dự kiến 270 đồng.
Bà Trinh khẳng định, thực đơn hàng ngày do nhà trường và phụ huynh học sinh lựa chọn và kiểm duyệt, được công khai. Giá suất ăn năm nay tăng hơn năm ngoái 2.000 đồng là do biến động giá cả nên công ty đã tăng giá lên 32.000 đồng/suất”.
Theo bà Trinh, trước nhu cầu của phụ huynh học sinh, đầu năm học 2020-2021, nhà trường và công ty Hoa Sữa đã ký kết hợp cung cấp suất ăn, không qua đấu thầu.
“Do nhà trường chỉ tổ chức ăn bán trú một buổi nên không có xây dựng, đầu tư bếp ăn bán trú. Bếp ăn hiện tại của trường là do công ty Hoa Sữa đầu tư”, bà Trinh cho hay.
Trước giải trình từ phía nhà trường nhiều phụ huynh không đồng tình với những danh mục chi phí trong mỗi suất ăn giá 32.000 đồng và cho rằng như vậy là vô lý.
Theo nguồn tin của PV, theo Hợp đồng Kinh tế giữa Trường THCS Yên Nghĩa (bên A) và Công ty TNHH Thương mại và Chế biến suất ăn Hoa Sữa (bên B), trong điều khoản hợp đồng về giá cả suất ăn và tiền nhân viên nấu bếp có ghi rõ giá cả suất ăn: Mức ăn trưa cho một học sinh là 32.000 đồng/suất (đã bao gồm thuế VAT).
Thêm nữa, tại điều khoản này cũng nêu rõ tiền nhân viên phục vụ bếp ăn bán trú của nhà trường là Bên A trả 15% tiền chăm sóc bán trú hàng tháng cho bên B để trả công nhân viên của Công ty TNHH Thương mại và chế biến suất ăn Hoa Sữa.
Lựa chọn công ty không qua đấu thấu
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhận định sự việc xảy ra, các bên liên quan có nhiều lý do để bao biện cho vai trò, trách nhiệm của mình, như: Hợp tác xã Đại Áng (đơn vị cung cấp cá cho Công ty Hoa Sữa) cung cấp thiếu 3,5kg so với đơn đặt ban đầu; lỗi tại nhân viên chia suất ăn không đều; khấu hao dụng cụ, nhân lực…
Ông Phú phân tích, cốt lõi vấn đề vẫn là trách nhiệm giám sát của nhà trường, hội phụ huynh. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Chia suất ăn không đều cũng không đến nỗi như suất ăn 32.000 đồng đã đưa lên truyền thông”.
“Với 500 suất ăn/ngày với chi phí 15 triệu đồng và chi phí tương đương trong 1 tháng khoảng nửa tỷ đồng. Số lượng rất lớn mà nhà trường nhận suất ăn từ Cty Hoa Sữa bằng hình thức ký kết hợp đồng, chẳng khác nào nhà trường đang phó mặc. Hơn nữa, việc cung cấp suất ăn không qua hình thức đấu thầu là hoàn toàn sai nguyên tắc cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi Trường THCS Yên Nghĩa không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ”, ông Phú nhấn mạnh.
Trước đó, phụ huynh phản ánh, 1 suất cơm bán trú có mức giá 32.000 đồng, chỉ bao gồm 1 miếng giò nhỏ, 1 ít khoai tây và 3-4 miếng cá chiên giòn, lèo tèo vài ba sợi giá. Hôm khác, thực đơn vẫn chỉ là một ít khoai tây, 3-4 miếng cá chiên giòn nhỏ và thay miếng giò bằng một miếng thịt nhỏ. Phụ huynh cho rằng chất lượng bữa ăn như vậy quá ít không đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh đang trong tuổi ăn tuổi lớn và không đảm bảo sức khỏe để học tập. Chiều 17/10, tại cuộc họp ba bên liên quan bao gồm: nhà trường, đại diện Công ty Hoa Sữa - đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và Ban đại diện phụ huynh các lớp, Hiệu trưởng Hoàng Thị Thu Trinh kiến nghị, phụ huynh phối hợp với nhà trường tiếp tục giám sát bếp ăn đến hết tháng 10/2023. |
Mộc Trà