Mới đây, ông Nguyễn Minh Phúc- người tự xưng là “Đại đức Thích Tâm Phúc”, xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh mặc áo cử nhân, được cho là tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM gây xôn xao dư luận.
Ông Phúc là gương mặt quen thuộc với nhiều cư dân mạng khi trước đó từng xuất hiện trong hàng loạt clip trên mạng xã hội Youtube với biệt danh “thầy chùa ăn thịt chó”.
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thành An- Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên trường ĐH Luật TP.HCM cho hay, sáng 2/4 nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân cho sinh viên.
Ông Phúc có đến chúc mừng một bạn sinh viên vì quen biết và sau đó thuê đồ của những người làm dịch vụ chụp ảnh dạo bên ngoài trường và vào chụp ở trong sân trường.
Sau đó trên mạng có đăng hình ông Phúc và cho rằng ông Phúc tốt nghiệp trường ĐH Luật TP.HCM khiến nhiều người hiểu lầm.
“Nhà trường xác nhận rằng ông Nguyễn Minh Phúc chưa từng là người học của trường ĐH Luật TP.HCM, vì vậy không thể có chuyện ông tốt nghiệp trường ĐH Luật TP.HCM. Lễ phục mà ông Phúc thuê cũng không phải là lễ phục của nhà trường”, ông An thông tin.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên trường ĐH Luật TP.HCM, ngay khi phát hiện việc ông Phúc chụp hình trong sân trường, bảo vệ đã mời ông di chuyển ra khỏi khu vực làm lễ của sinh viên.
Trong một diễn biến liên quan, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi đã xác định rõ về người tự xưng là “Đại đức Thích Tâm Phúc” và nơi tự xưng là “Chùa Hoằng Pháp Trung ương”.
Theo đó, nơi tự xưng “chùa Hoằng Pháp Trung ương” (số 174/13A ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) chỉ là nhà để ở, chứ không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo.
Còn ông Nguyễn Minh Phúc, là người giả danh tu sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, danh xưng “Đại đức Thích Tâm Phúc” là tự nhận.
Không những vậy, người này còn sử dụng các loại giấy tờ, quyết định giả mạo để tự xưng là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Vì vậy, cơ quan chức năng đề nghị, ông Phúc chấm dứt ngay những phát ngôn trái với đạo đức xã hội, trái với truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật Nhà nước; tôn trọng đúng truyền thống Phật giáo.
Bạch Hiền (t/h)