Trước thông tin về việc cầu Tân Nghĩa bị sập chỉ sau vài tháng hết thu phí BOT, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có những trao đổi thẳng thắn.
Hiện trường vụ sập cầu Tân Nghĩa ở Đồng Tháp. Ảnh: Tiền Phong |
Trước đó, theo thông tin trên Infonet, vào lúc 13h30 ngày 31/5, trên tuyến đường huyện Tân Nghĩa - Gáo Giồng thuộc địa phận xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra sự có sập cầu.
Cụ thể, xe tải mang biển kiểm soát 78C-064.27 do ông Hồ Thế Hữu (SN 1987, cự ngụ tại Khu phố 5 thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm chủ sở hữu, trên xe chở hàng hóa là khoai mì khô, lưu thông qua cầu Tân Nghĩa thì xảy ra sự cố sập nhịp giữa cầu làm xe tải và xe ba gác cùng nhịp cầu rơi xuống sông. Khi cầu sập, có 1 phương tiện thủy lưu thông ngang qua và kẹt lại dưới gầm cầu. Rất may sự cố không gây thiệt hại về người.
Ngày 1/6, Bộ GTVT gửi văn bản yêu cầu tỉnh Đồng Tháp nhanh chóng khắc phục sự cố sập cầu; tập trung tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn và có phương án đảm bảo an toàn cho người dân qua lại cầu và thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa.
Theo ông Trần Trí Quang - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, qua công tác khám nghiệm, đánh giá ban đầu của ngành chức năng Đồng Tháp, nguyên nhân chính dẫn đến sập cầu là do xe quá tải trọng qua cầu dẫn đến sự cố. Tài xế đã bỏ trốn khỏi hiện trường và chưa đến công an trình diện nên cơ quan điều tra đang làm rõ, truy xuất nguồn gốc lô hàng để đưa ra số liệu chính xác.
Liên quan đến thông tin xoay xung quanh vụ sập cầu Tân Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã có những trao đổi thẳng thắn trên báo Thanh Niên. Ông Dương khẳng định vụ sập cầu là một sự cố rất đáng tiếc, không liên quan đến việc dừng thu phí BOT.
"Ngay khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường, yêu cầu các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm liên quan, đồng thời khẩn trương khắc phục sự cố, cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất để các phương tiện được lưu thông trở lại", ông Dương cho biết.
Ông Dương đánh giá cầu Tân Nghĩa có tải trọng 8 tấn, trong khi đó xe tải theo đăng kiểm đã là 12 tấn, cùng ước lượng hàng hóa chở trên xe tải khoảng 17 tấn. Tải trọng vượt trên 3 lần (29 tấn) mức cho phép là nguyên nhân chính gây ra sự cố cầu Tân Nghĩa bị sập.
Do tài xế xe tải đã bỏ trốn khỏi hiện trường vụ sập cầu nên cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đang truy nguồn gốc số hàng hóa chở trên xe tải để có số liệu chính xác, tiếp tục điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm cụ thể.
Thông tin từ chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, sau khi hoàn tất trục vớt các phương tiện trong vụ tai nạn, cơ quan chức năng sẽ sớm lắp nhịp cầu để người dân đi lại. Dự kiến 5 ngày tới, nhịp cầu mới sẽ được lắp đặt.
Video cần cẩu gãy đôi khi đang cứu hộ vụ sập cầu Tân Nghĩa
[presscloud]10155[/presscloud]
Nguồn video: Thời đại
Công trình cầu Tân Nghĩa có chiều dài là 150m (gồm 8 nhịp dầm bê tông cốt thép và 1 nhịp giữa Bailey dài 30m), mặt cầu rộng 4,2m; tải trọng khai thác là 8 tấn; được vào khai thác năm 2007; công trình được đầu tư theo hình thức BOT hiện tại đã ngưng thu phí từ 30 tết nguyên đán 2019. |
Bạch Hiền (t/h)