Trong quá trục vớt chiếc xe tải bị rơi xuống sông, cần cẩu sắt cao hàng chục mét bất ngờ gãy đôi, chiếc xe tải va đập vào trụ bê tông rồi chìm nghỉm.
[presscloud]10155[/presscloud]
Báo Thanh Niên đưa tin, khoảng 9h ngày 1/6, được sự huy động của Sở GTVT Đồng Tháp, một sà lan chở cần cẩu trọng tải lớn đến vị trí cầu Tân Nghĩa (thuộc xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) để trục vớt các phương tiện bị rơi xuống kênh Tháp Mười 2.
Sau hơn 2 giờ thực hiện cứu hộ, xe ba gác và toàn bộ hàng hóa trên xe tải đã được đưa lên bờ. Đến khoảng 11h20 cùng ngày, khi cần cẩu tiến hành trục vớt xe tải BS 78C - 04627 thì bất ngờ cần cẩu bị gãy đổ ở đoạn cách vị trí chân cầu khoảng 10 m khiến xe tải rơi và chìm hẳn xuống kênh Tháp Mười 2.
Trả lời trên báo Vietnamnet, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết lỗi sập cần cẩu là do người vận hành thao tác sai kỹ thuật, làm xoắn cần.
Hiện trường vụ sập cầu Tân Nghĩa. Ảnh: Thanh Niên |
Trước đó, vào ngày 31/5, một chiếc xe tải và xe ba gác chở hàng khi lưu thông qua khu vực cầu Tân Nghĩa bất ngờ rơi xuống sông vì nhịp cầu giữa bị sập.
Zing.vn cho biết, tại thời điểm xảy ra sự việc, trên cầu có ôtô tải trọng lượng 12,5 tấn (chở thêm khoảng 10 tấn khoai mì) trong khi cầu quy định giới hạn 8 tấn.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Ngô Văn Minh (giảng viên Bộ môn cầu hầm, Đại học GTVT Hà Nội) , một cây cầu cho phép tải trọng 8 tấn thì không có nghĩa phương tiện vượt quá trọng tải đi qua sẽ khiến cầu sập ngay. Giới hạn trọng tải được tính dựa trên nhiều tham số khác, trong đó có "tuổi thọ mỏi" của công trình. Ví dụ cây cầu giới hạn 10 tấn sẽ sử dụng được 100 năm. Vẫn cây cầu đấy nếu giới hạn 20 tấn chỉ sử dụng được 40 năm thôi.
Bộ GTVT đã có công điện gửi các ban ngành của tỉnh Đồng Tháp yêu cầu khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh).
Công điện của Bộ GTVT yêu cầu địa phương phải tổ chức cứu hộ phương tiện, có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra.
Mộc Miên (T/h)