(ĐSPL) - Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao - cho biết, ông Nguyễn Thanh Chấn đã chấp nhận khoản bồi thường 7,2 tỷ đồng cho 10 năm ngồi tù oan.
Theo tin tức trên báo Dân Trí, ngày 5/6, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Đề cập đến vấn đề bồi thường cho người bị thiệt hại cho trong các vụ án oan sai, ông Hiện cho biết, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan tuy không lớn (khoảng trên 30 tỷ đồng) nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm.
Theo ông Hiện, đến nay đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) yêu cầu bồi thường hơn 9 tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) yêu cầu bồi thường trên 22 tỷ đồng và kéo dài 9 năm đến nay chưa giải quyết xong.
Ông Nguyễn Thanh Chấn về với gia đình sau 10 năm ngồi tù oan. |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định, tình trạng chậm bồi thường cho người bị oan trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan đã gây nên việc làm oan nhưng cũng có nguyên nhân do một số quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa thật hợp lý như giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Ngoài ra, việc buộc người bị oan phải có đơn yêu cầu mới giải quyết bồi thường và các giấy tờ, tài liệu làm căn cứ xác định bồi thường và thủ tục cấp kinh phí bồi thường còn phức tạp, chưa hợp lý.
Theo VTC News, ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao - cho biết, việc bồi thường cho người bị oan, sai trong 3 năm 2012 - 2014, tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường, đã trả lại 3 đơn do không đủ thẩm quyền, điều kiện thụ lý.
Trong số 19 đơn, đã giải quyết 13 trường hợp với tổng số tiền bồi thường là hơn gần 1,7 tỷ đồng, 6 trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết thương lượng bồi thưởng và tổ chức xin lỗi công khai. Sau khi có quyết định các tòa án sẽ hoàn tất thủ tục để chi trả tiền cho người bị thiệt hại.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình: Ông Chấn đã đồng ý nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng. Ảnh: Báo Infonet |
“Có ba vụ mà đại biểu Quốc hội quan tâm trong đó vụ ông Nguyễn Thanh Chấn chúng tôi đã tổ chức xin lỗi. Đến nay, ông Chấn đã đồng ý bồi thường 7,2 tỷ đồng, hiện đang làm thủ tục để bồi thường”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nói.
Ông Trương Hòa Bình khẳng định: “Việc để xảy ra oan sai là không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến công lý và nền tư pháp nước nhà. Đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả, vì nó liên quan đến quyền tự do của công dân, quyền được sống”.
Ngày 30/8/2003, ông Chấn được triệu tập tới trụ sở Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang để lấy lời khai. Ngày 28/9/2003, căn cứ vào những lời khai của ông Chấn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra lệnh tạm giữ đối với ông Chấn. Ngày 29/9/2003, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh “giết người”. Ngày 26/3/2004, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn phạm tội "giết người" với mức án tù chung thân. Tại phiên xét xử, bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án sơ thẩm. Cũng trong phiên phúc thẩm, bị cáo Chấn liên tục kêu oan, không nhận tội. Chính thức bản án phúc thẩm có hiệu lực. Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan và Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao xem xét. Ngày 5/7/2013, bà Chiến vợ ông Chấn gửi đơn tới Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao. Trong đơn nói rõ thủ phạm gây ra vụ án giết chị Hoan là Lý Nguyễn Chung (quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan. Ngày 29/10, Viện KSND Tối cao khởi tố vụ án hình sự giết người, cướp tài sản và khởi tố bị can đối với Lý Nguyễn Chung về hai hành vi này. Không lâu sau đó, ông Lý Văn Chúc là bố của Chung bị bắt giữ để phục vụ điều tra. Ngày 4/11/2013, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và Phó viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định số 04/QĐTĐCTHA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 4/11, ông Chấn được thả về địa phương. Ngày 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mở phiên tòa theo trình tự tái thẩm xem xét kháng nghị ngày 4/11 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội danh giết người. Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án. Tới sáng 25/1/2014, tại trụ sở UBND xã Nghĩa Trung của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đại diện của Viện KSND Tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính công bố “Quyết định đình chỉ điều tra bị can” đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Và ông Chấn chính thức được minh oan, không còn liên quan tới vụ án, sau hơn 10 năm ngồi tù án trung thân. |
GIA HUY(Tổng hợp)
Truy tố đối tượng giết người khiến ông Chấn bị oan