Sau khi họp bàn, lãnh đạo 5 hiệp hội đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về thông tin nước mắm chứa arsen gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
5 hiệp hội tham gia kiến nghị lên Thủ tướng gồm: Hiệp hội Nước mắm Nha Trang; Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận; Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc; Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Tại văn bản kiến nghị, các hiệp hội khẳng định, nước mắm là sản phẩm truyền thống, là quốc hồn, quốc túy của Việt Nam, gắn liền với cuộc sống của người dân, được tiêu dùng rộng rãi hàng trăm năm nay. Mỗi năm, người tiêu dùng Việt tiêu thụ khoảng 200 triệu lít nước mắm, trong đó 50 triệu lít là nước mắm nguyên chất (nước mắm truyền thống). Một số nhãn hàng nước mắm truyền thống đã xuất khẩu đi nhiều nước.
Các hiệp hội cùng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ vụ nước mắm asen |
Tuy nhiên, ngày 17/10/ 2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm, trong đó có đoạn "có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu asen (thạch tín) - một loại á kim cực độc... Hàm lượng asen tổng trong các mẫu không đạt, dao động từ 1-5 mg/lít (so với quy định là 1,0 mg/lít). Các mẫu có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (95,65% số mẫu khảo sát có độ đàm từ 40 độ trở lên có hàm lượng asen vượt ngưỡng quy định)”.
Công bố này của Vinastas, các hiệp hội cho rằng, đã gây nhầm lẫn giữa asen hữu cơ, luôn có mặt trong cá biển, không độc và asen vô cơ rất độc. Nội dung đó chẳng những không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nồng độ asen trong thực phẩm nói chung, trong nước chấm nói riêng mà còn không phù hợp với QCVN 8-2:2011/ BYT, trong đó hàm lượng asen, được hiểu là vô cơ, trong nước chấm là 1 mg/l.
Việc khẳng định nước mắm độ đạm càng cao, tỷ lệ nhiễm asen càng lớn đã tác động trực diện, với hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, nếu không xử lý kịp thời chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển.
Với tuyên bố một cách chung chung asen là chất cực độc đã làm cho người tiêu dùng cực kỳ hoang mang. Có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chối bỏ nước mắm truyền thống. Một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua hàng của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.
Mặc dù Vinastas không công khai danh sách các nhãn hàng nước mắm có dư lượng asen, nhưng ngay hôm sau danh sách này đã phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Có hiện tượng danh sách này được nhân viên của một số nhà sản xuất nước mắm công nghiệp đi phát trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ. Nội dung quảng cáo của doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp ghi không đúng của quy định về arsen.
Trước tình hình đó, ngày 20/10, dưới sự chủ trì của VASEP, các hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống, gồm Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cùng một số doanh nghiệp nước mắm đã họp để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam và thống nhất những giải pháp để bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống.
Lãnh đạo 5 hiệp hội thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ gây thiệt hại của thông tin mà Vinastas công bố đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và cảnh cáo để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng arsen, thực chất là không gây hại theo quy định, nhưng gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo không đúng.
Đồng thời, chỉ đạo các Bộ liên quan công bố công khai trên thông tin đại chúng việc arsen hữu cơ có mặt trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng đồng thời làm rõ mức giới hạn ô nhiễm Asen trong nước mắm.
Quy chuẩn kỹ thuật về nước mắm đang được Bộ Y tế soạn thảo từ 2012, đưa nhiều qui định về hóa chất phụ gia không phù hợp với nước mắm truyền thống, đến nay không được ban hành. Đề nghị Thủ tướng chuyển giao việc soạn thảo và ban hành Quy chuẩn này sang Bộ NN-PTNT.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, cho biết, các hiệp hội đang hoàn thiện bổ sung văn bản này để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ sớm nhất vào chiều tối 21/10 hoặc sáng mai.
B.H