Theo luật sư, nếu như hành vi túm áo, xô đẩy đồng chí CSGT của người phụ nữ nhằm mục đích ngăn cản người thực hiện nhiệm vụ được giao thì hành vi này có dấu hiệu của “Tội chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 257 BLHS.
Chiều tối 17/7, mạng xã hội xuất hiện clip một người phụ nữ chạy xe ôtô ngược chiều trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Khi được cảnh sát giao thông (CSGT) nhắc nhở đi về đúng phần đường theo chiều đi của mình, người này không những không chấp hành mà còn xuống xe chửi bới CSGT bằng những lời lẽ khó nghe.
Thậm chí, người phụ nữ còn nắm cổ áo chiến sĩ CSGT và kéo mạnh khiến nhiều người chứng kiến rất phẫn nộ.
Người phụ nữ không chấp hành hiệu lệnh của CSGT mà lên tiếng chửi bới - Ảnh cắt từ clip |
Theo người đăng tải đoạn clip, vụ việc xảy ra vào khoảng 17h30 chiều 17/7 tại giao lộ Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Lúc đó, chiến sĩ CSGT thấy một phụ nữ điều khiển xe ôtô lấn làn đã yêu cầu chạy đúng làn nhưng thay vì chấp hành thì chủ nhân chiếc ôtô mở cửa xe, xông vào chửi bới, thoá mạ.
Sau khi đăng tải, clip đã nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận, đa số các ý kiến đều bất bình và phản ứng gay gắt cách cư xử của người phụ nữ này với CSGT.
Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, luật sư Phạm Kỳ Dương - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, qua các thông tin trên báo chí thì người phụ nữ trong clip đã có hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ số: 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008. Cụ thể tại Khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ có quy định: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”.
Luật sư Phạm Kỳ Dương - Đoàn luật sư TP Hà Nội |
Hành vi vi phạm của người tham gia giao thông sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26-5-2016 của Chính phủ.
Luật sư Dương cho biết thêm, tuy nhiên, ngoài hành vi vi phạm giao thông thì người phụ nữ trong clip còn có những hành vi khác với đồng chí CSGT đang làm nhiệm vụ tại hiện trường. Cụ thể là có những lời nói thiếu khiếm nhã, xúc phạm và ngăn cản CSGT thực hiện nhiệm vụ.
Để đánh giá mức độ vi phạm của hành vi nêu trên cần phải xem xét toàn diện mục đích của hành vi của người vi phạm.
Nếu hành vi của Người phụ nữ nêu trên chỉ đơn thuần do bức xúc mà bộc phát những lời nói và hành động chưa đúng mà không nhằm cản trở Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ thì người phụ nữ đó chỉ bị xử lý vi phạm hành chính một trong các vi phạm sau:
- Xử phạt về hành vi lăng mạ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;”
- Xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu trên.
“Nếu như hành vi túm áo, xô đẩy đồng chí CSGT của người phụ nữ nhằm mục đích ngăn cản người thực hiện nhiệm vụ được giao thì hành vi này có dấu hiệu của “Tội chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 257 BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009”. – luật sư Dương nhấn mạnh.
Tiểu Phương (ghi)