Báo Tuổi Trẻ đưa tin, liên quan đến việc xử lý kỷ luật các học sinh đánh nhau tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, ông Trịnh Vĩnh Thanh - trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết "nhà trường không đình chỉ việc học tập của học sinh bởi đây là hình thức không được dư luận đồng tình, các chuyên gia giáo dục cũng không khuyến khích".
"Thay vào đó, trong vòng hai tuần, cứ đến giờ ra chơi (cả buổi sáng và chiều), các học sinh đánh nhau phải đến thư viện của trường đọc sách. Nhà trường sẽ định hướng cho học sinh đọc sách đạo đức là chủ yếu.
Việc đọc sách có sự giám sát của thầy, cô giáo trong trường. Sau đó, học sinh sẽ ghi lại cảm nhận của bản thân về từng cuốn sách mà mình đã đọc", ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh cho biết thêm: "Sau hai tuần đọc sách, vào thứ hai chào cờ hằng tuần, các học sinh đánh nhau sẽ luân phiên kể một câu chuyện về đạo đức trước toàn trường. Đây là hình thức giáo dục nhằm để các em nhận thức rõ hơn về đúng, sai, những điều được làm và không được làm".
Dĩ nhiên, ngoài hình thức kỷ luật trên, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cũng áp dụng thêm hình thức kỷ luật khác theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, 3 nữ sinh đánh bạn là các em Y.N., X.M., D.T. sẽ bị hạnh kiểm yếu trong học kỳ I. Trong số này, có một học sinh đã chuyển trường nhưng hồ sơ cũng sẽ chuyển sang trường mới để xử lý.
Học sinh G.P. (lớp 9/9 và là người chia sẻ clip) cũng nhận hạnh kiểm yếu trong học kỳ I. Nữ sinh lớp 7 đứng canh cửa và nữ sinh lớp 8 quay clip nhận hình thức kỷ luật "chưa đạt" về đánh giá rèn luyện trong học kỳ I.
Ông Thanh cũng cho biết thêm tuy trong clip là nạn nhân nhưng năm học trước đó T.V. cũng đánh bạn. Đến tháng 10/2023, V. lại tiếp tục đánh bạn nên nhận hình thức kỷ luật "chưa đạt" về đánh giá rèn luyện trong học kỳ I.
Như đã đưa tin, trước đó, một clip nhóm học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đánh nhau trong nhà vệ sinh của trường được tung lên mạng khiến dư luận bức xúc. Sau khi xem xét vụ việc, nhà trường quyết định kỷ luật bằng cách hạ hạnh kiểm, nhưng sau đó nhận thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc nên đã quyết định họp lại hội đồng kỷ luật để xem xét mức phạt dành cho những học sinh này, theo VOV.
Liên quan đến việc bạo lực học đường, trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 7/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết từ 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ.
"Bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Bình quân cứ 50 trường thì có một vụ bạo lực học đường. Học sinh nữ tham gia ngày càng nhiều hơn khiến chúng tôi rất lo lắng và nỗ lực tìm giải pháp xử lý", ông Sơn nói.
Theo quy định, việc kỷ luật học sinh vi phạm hiện gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn, VnExpess thông tin.
Phương Linh(T/h)