Thông tin ban đầu do,xuất phát từ mâu thuẫn nói xấu nhau trên mạng xã hội Facebook giữa em Lê Thị Hồng Đ., học sinh lớp 6A1, trường THCS Tân Phú (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) và em Nguyễn Thanh Ng., (lớp 6A5, đã bỏ học), chiều 11/3, Ng. rủ một nữ sinh lớp 6 trường Tân Phú và 3 nữ học sinh trường THCS Tân Lập đến tổ chức đánh hội đồng em Đ. tại khu vực nhà xe phía sau khán đài của Sân vận động huyện Đồng Phú.
Trong lúc đánh Đ., 2 bạn nữ và một đối tượng không phải học sinh đã quay lại clip, sau đó đăng lên mạng xã hội Facebook.
Sau khi biết sự việc, gia đình đã đưa Đ. đến bệnh viện Hoàn Mỹ (xã Tiến Hưng, TP.Đồng Xoài) điều trị.
Theo chẩn đoán lâm sàng, em Đ. có tổn thương cẳng tay; đa tổn thương nông ở cổ tay và bàn tay; đa tổn thương nông ở đầu gối trái, phải.
Trước vụ bạo hành trên, chiều 13/3, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng và các trường học trên địa bàn huyện Đồng Phú tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống bạo lực học đường trong nhà trường và các cơ sở giáo dục.
Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Phú chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền về tình trạng bạo lực học đường trong nhà trường; phối hợp với Hội cha mẹ học sinh tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm lý, giám sát con em tại gia đình.
Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các trường học quản lý, giáo dục học sinh để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường; có biện pháp theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vụ việc học sinh tổ chức đánh nhau ở trong và ngoài trường học.
Đơn vị chức năng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các hàng quán, tụ điểm vui chơi giải trí, dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến có biểu hiện gây mất an ninh, trật tự ở khu vực cổng trường học.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Phú cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể từng tháng, từng học kỳ và năm học về phòng, chống bạo lực học đường để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc "nói không với bạo lực"; phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp xử lý kịp thời.
Việt Hương (T/h)