Ngày 4/3, UBND huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có báo cáo (do phó chủ tịch Lê Tiến Dũng ký) gửi UBND Tỉnh xung quanh vụ “Neo xe chở cá, đòi CSGT bồi thường hàng ươn thối”.
Báo cáo của UBND huyện U Minh Thượng cũng kết luận, tài xế không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT.
Trước khi thực hiện yêu cầu đưa xe đi nơi khác của Công an huyện U Minh Thượng, lái xe và chủ xe cùng một số người dân tự lập hiện trường, kiểm đếm số cá ươn để làm cơ sở khiếu nại. Ảnh: K.N |
Công an làm đúng (?)
Theo báo cáo, lúc còn cách khoảng 50-60m, trung úy Thái dùng gậy chỉ huy phản quang khi có ánh sáng đèn và thổi còi ra hiệu lệnh dừng xe. Trung úy Phan Minh Trung và trung úy Đặng Hoàng Anh trong tổ tuần tra, đứng gần hỗ trợ bằng cách rọi đèn pin vào chỗ trung úy Thái, để tài xế biết vị trí dừng xe. Tuy nhiên, tài xế vẫn không giảm tốc độ mà chạy thẳng vào vị trí trung úy Thái đứng, anh này phải nhảy vào lề tránh. Sau đó, trung úy Thái phải thổi thêm một hồi còi, khi vượt qua vị trí CSGT đứng khoảng 15m tài xế mới dừng xe.
Cũng theo báo cáo, trung úy Thái chỉ đạo một cán bộ trong tổ lập biên bản với lỗi vi phạm được quy định tại điểm e, khoản 4, điều 5 của nghị định 171/2013/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đồng thời tạm giữ hai loại giấy tờ gồm một giấy phép lái xe, một giấy đăng ký xe. “Lập biên bản xong, tổ tuần tra kiểm soát có thông báo yêu cầu tài xế ký tên vào biên bản, nhưng tài xế không ký tên mà bỏ đi, để lại bốn loại giấy tờ khác mà tổ tuần tra không tạm giữ, là hai giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc, một giấy chứng nhận kiểm định và một biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ do Nguyễn Văn Tho đứng tên” - báo cáo viết.
Báo cáo cũng thể hiện: “Đến khoảng 22h, anh Tho (chủ xe) cùng bốn thanh niên đến hiện trường nói chuyện với thái độ lớn tiếng, thách thức tổ tuần tra. Trước sự việc đó, đồng chí Thái xin ý kiến và được lãnh đạo công an huyện chỉ đạo mời tài xế để trả lại bốn loại giấy tờ mà tổ tuần tra không tạm giữ. Do đồng chí Thái không biết số điện thoại của tài xế, nên điện cho anh Bình (anh của chủ xe) cho tài xế biết để lên nhận, nhưng anh Bình nói không nhận, cứ đậu xe đó luôn”.
UBND huyện U Minh Thượng kết luận: tài xế “không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông, không ký tên vào biên bản vi phạm hành chính, bỏ lại các loại giấy tờ mà công an không phải tạm giữ, tự ý đậu xe nhiều ngày trên quốc lộ 63 và không nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính là biểu hiện thái độ thiếu sự hợp tác cùng cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc, nên từ đó dẫn đến hư hao về hàng hóa”. Về phía chủ phương tiện, UBND huyện cho rằng “lẽ ra chủ phương tiện phải nhắc nhở tài xế thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, hợp tác cùng cơ quan chức năng nhưng lại thờ ơ, không có trách nhiệm nên dẫn tới hàng hóa hôi thối, gây bất bình trong nhân dân”.
Không nhắc đến nhiều chi tiết
Điều đáng chú ý là, báo cáo không nhắc gì đến những chi tiết mà tài xế, chủ xe, chủ hàng tường thuật và được báo chí phản ánh suốt mấy ngày qua. Cụ thể, tài xế Lương Hoàng Mỹ cho rằng, khi dừng xe và xuất trình giấy tờ để kiểm tra, anh không được CSGT thông báo lỗi không chấp hành hiệu lệnh, mà phải đến khi tổ tuần tra kiểm tra toàn bộ xe không phát hiện vi phạm nào, mới lập biên bản lỗi này.
Về việc không ký biên bản, tài xế Lương Hoàng Mỹ cho biết, đêm 17/2, sau khi kiểm tra tất cả thủ tục, tổ CSGT mời anh vào trụ sở đội CSGT, cách vị trí xe đậu vài chục mét để lập biên bản lỗi “không chấp hành hiệu lệnh dừng xe”, trong đó ghi tạm giữ giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe, rồi yêu cầu anh ký vào. “Mấy anh CSGT kêu tôi ký nhiều lần, tôi không ký. Thấy bị ép ký hoài, nên tôi đi ra bên hè gọi báo cho chủ xe biết, rồi đi ra chỗ xe đậu đứng đợi chủ xe tới, chứ không bỏ đi khỏi hiện trường” - anh Mỹ khẳng định. Anh Mỹ cũng nói, lúc yêu cầu anh ký biên bản, CSGT vẫn giữ trong tay giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy chứng nhận kiểm định, biên lai thu phí đường bộ và nói nếu không ký sẽ không trả lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tài xế Lương Hoàng Mỹ cho biết, chiều 27/2, có hai người xưng là tổ điều tra của công an huyện đến nhà để lấy lời khai. Tại đây, anh Mỹ tiếp tục khẳng định, mình chỉ nhìn thấy trung úy Thái từ trong lề đường bước ra đứng quơ gậy yêu cầu dừng xe khi còn cách khoảng 20m, không hề có đèn hay bất kỳ thiết bị chiếu sáng nào.
Ngay sau khi nhìn thấy trung úy Thái, anh Mỹ có bật xinhan, đánh tay lái tránh chỗ trung úy Thái đứng, rồi từ từ tấp xe vào lề để đảm bảo an toàn. Sau khi anh Mỹ dừng xe, mới có thêm một CSGT cầm đèn pin từ bên trong Đội CSGT U Minh Thượng bước ra. “Họ lấy lời khai của tui từ khoảng 12h-14h, trước sau như một, tui chỉ nói lên sự thật. Chính tay tui ký tên vào biên bản ghi lời khai, tui hoàn toàn chịu trách nhiệm với những gì mình nói” - anh Mỹ khẳng định.
Ngoài ra, báo cáo của UBND huyện U Minh Thượng cũng không làm rõ việc chủ xe, chủ hàng đề nghị được đưa xe khác tới sang hàng để chạy đi cho kịp chợ, nhưng bị một CSGT tên Nam từ chối, không cho chuyển. Báo cáo cũng không nhắc đến một CSGT tên Nam, dù trước đó, khi trả lời Tuổi Trẻ ngày 27/2, chủ tịch UBND huyện Ngô Công Tước cho hay có hỏi trực tiếp và CSGT này phủ nhận: “Lúc đó con có nói gì đâu!”, nên ông chỉ đạo công an huyện phải làm rõ, để xem ai phải chịu trách nhiệm chuyện cá ươn thối.
Hôm qua, ông Nguyễn Văn Tho được mời lên đội CSGT để nhận lại giấy đăng ký xe, sổ kiểm định và hai giấy bảo hiểm xe, riêng giấy phép lái xe vẫn bị tạm giữ. Việc trả giấy tờ xe được lập biên bản giao nhận.
Quyết định xử phạt có nhiều sai sót Sau khi xem xét quyết định xử phạt của Công an huyện U Minh Thượng đối với tài xế Lương Hoàng Mỹ, luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét: Về hình thức: Ngoài một nhầm lẫn không đáng có về cấp bậc của vị phó trưởng công an huyện ký ban hành (trên ghi thiếu úy nhưng dưới ghi là thiếu tá), quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế còn thiếu sót khi chỉ ghi điểm, khoản, điều nhưng lại không ghi nghị định làm cơ sở pháp lý xử phạt (ở đây là nghị định 171/2013). Về nội dung: Khi dừng phương tiện và sau đó do thấy tài xế đậu xe cách chỗ mình đứng 15m nên lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt tài xế về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông thì có nghĩa công an không thực hiện đúng thông tư 65/2012 của Bộ Công an. Bởi lẽ theo thông tư này, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát trong trường hợp “trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ” (điều 14). Như vậy, nếu trước đó tài xế không có dấu hiệu vi phạm các quy định về giao thông đường bộ, thì công an dừng xe là sai quy định. Tiếp nữa, dù sử dụng đèn tín hiệu hay dùi cui nhựa (như phản ảnh của tài xế) để làm hiệu lệnh dừng xe, thì công an cũng không được quyền bắt lỗi tài xế về việc tấp xe vào lề cách xa vị trí mình đang đứng (theo tài xế thì chưa tới 15m). Lý do: trong trường hợp ra hiệu lệnh dừng xe, điều 13 thông tư 65/2012 của Bộ Công an có giao cho CSGT nhiệm vụ “hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí phù hợp để kiểm soát”. Nói phù hợp thì có nghĩa, việc đỗ xe đó phải đảm bảo được sự an toàn, không làm cản trở hoạt động giao thông. Ngoài yêu cầu này, thông tư 65/2012 không hề có quy định cụ thể về vị trí đỗ xe. Chính vì thế, thông tin từ các cơ quan CSGT ở nhiều địa phương khác đều cho thấy họ không quá chi li về khoảng cách và “chưa bao giờ coi việc tài xế dừng xe là không chấp hành hiệu lệnh” như cách làm của CSGT Kiên Giang. Quyết định xử phạt tài xế “xe cá” của Công an huyện U Minh Thượng, cần được Công an tỉnh Kiên Giang (nếu tài xế khiếu nại) hoặc TAND huyện (nếu tài xế khởi kiện) xem xét lại theo hướng hủy bỏ do trái pháp luật. |
Nguyễn Hương(theo Tuổi Trẻ)