Giảng viên N.H.C cho rằng, kết luận số 1068 mà Chủ nhiệm Khoa Luật đưa ra dựa trên căn cứ “Báo cáo kết quả xác minh của Tổ công tác ngày 19/8/2018” là bất hợp pháp.
Liên quan đến thông tin hàng loạt các nữ sinh viên Khoa Luật- Trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tố giảng viên N.H.C. có những hành vi không chuẩn mực, ngày 24/8 vừa qua, Lãnh đạo Khoa Luật đã có văn bản kết luận về những thông tin phản ánh về mối quan hệ giữa GV và người học.
Cụ thể, kết luận số 1068/KL – XMTT do ông Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật ký có 3 nội dung chính như sau:
Tin nhắn chưa đúng chuẩn mực
Khoa Luật khẳng định, cho đến thời điểm hiện nay, với những thông tin được cung cấp với tổ công tác, hiện chưa đủ cơ sở để cho rằng giảng viên N.H.C đã quan hệ với nữ sinh Khoa Luật và làm sinh viên này mang thai, hay đe dọa, gạ tình với các nữ sinh trong khoa như nội dung thông tin phản ánh trên các trang mạng xã hội. Nội dung thông tin phản ánh này hiện không có ảnh chụp tin nhắn (tồn tại dưới dạng 2 bài đăng ẩn danh trên trang SOL-VNU Confessions), đồng thời cũng không có người cung cấp thông tin trực tiếp” – văn bản này viết.
Tuy nhiên, đã có cơ sở để cho rằng GV N.H.C đã chủ động nhắn tin với các nữ sinh trong Khoa, trong đó nội dung các tin nhắn có thể hiện cách ứng xử chưa đúng mực trong mối quan hệ giữa nhà giáo và người học.
Bản kết luận của tổ xác minh Khoa Luật (ĐHQGHN) về vụ việc sinh viên nữ tố giảng viên N.H.C gạ gẫm. Ảnh: Tiền Phong |
Kết luận này khẳng định, hành vi của ông N.H.C có dấu hiệu vi phạm khoản 1 Điều 30 Quy chế Đào tạo đại học tại ĐHQGHN về trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên; vi phạm khoản 3, 4 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2005 về nhiệm vụ nhà giáo; vi phạm khoản 4, 5 Điều 55 Luật Giáo dục đại học năm 2012 về nhiệm vụ và quyền của giảng viên; Điều 5 Quyết định của Bộ GD-ĐT về Quy định về đạo đức nhà giáo, về lối sống, tác phong...
Ngoài ra, những trao đổi qua lại trên mạng xã hội về mối quan hệ giữa giảng viên N.H.C và người học đã gây ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng tới hình ảnh, uy tín, lợi ích của Khoa Luật, của ĐHQGHN trong sinh viên, cựu sinh viên và dư luận xã hội.
Trong những tranh luận về vụ việc, giảng viên N.H.C đã có bài đăng, bình luận, ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội, trên báo chí chưa thực sự chuẩn mực của một nhà giáo, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh giảng viên.
Dấu hiệu vi phạm trong chấm điểm
Về việc giảng viên N.H.C chấm điểm 1 với bài kiểm tra giữa kỳ của sinh viên H.T.T.U, tổ công tác nhận thấy chưa có đủ bằng chứng để khẳng định có sự vi phạm của giảng viên do không có đủ cơ sở để khẳng định ảnh chụp bài kiểm tra của H.T.T.U chính là bài kiểm tra đã nộp cho giảng viên này. Giảng viên N.H.C cho biết hiện không còn lưu trữ bài thi vì học phần đã kết thúc từ lâu.
Về việc giảng viên N.H.C cho 0 điểm chuyên cần của cả lớp văn bằng kép INL-2003 với lý do lớp không trung thực trong việc điểm danh đã có dấu hiệu vi phạm một số quy định, luật.
Vi phạm kỷ luật lao động
Về thông tin phản ánh giảng viên N.H.C thường xuyên đi dạy muộn, bỏ buổi dạy…, văn bản kết luận “giảng viên N.H.C thường bảo đảm số buổi lên lớp giảng dạy của học phần được phân công. Tuy nhiên, có một số lần lên lớp giảng dạy muộn so với thời gian quy định từ 15 phút, 30 phút đến 120 phút. Việc này làm ảnh hưởng và không đảm bảo thời lượng giảng dạy đối với học phần.
Việc đi muộn này có dấu hiệu vi phạm Quy định về đạo đức nhà giáo: “…không đi muộn, về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường”, văn bản kết luận viết.
Lãnh đạo Khoa Luật, ĐHQGHN xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến danh dự, uy tín của khoa, ảnh hưởng không tốt đến tình hình chính trị, tư tưởng và tâm tư, tình cảm của các cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của khoa.
Ban chủ nhiệm Khoa Luật đề nghị bộ phận Tổ chức – Cán bộ của Khoa đề xuất biện pháp xử lý triệt để, nghiêm minh và đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nam giảng viên N.H.C không bằng lòng với kết luận của tổ xác minh Khoa Luật. Ảnh: Tiền Phong |
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Tiền Phong, TS N.H.C- nam giảng viên bị tố cho rằng, kết luận số 1068 mà Chủ nhiệm Khoa Luật đưa ra dựa trên căn cứ là “Báo cáo kết quả xác minh của Tổ công tác ngày 19/8/2018” là bất hợp pháp.
Cụ thể, theo giảng viên C., nội dung của kết luận này thể hiện sự không khách quan, một chiều, không minh bạch, phiến diện trong đánh giá bằng chứng, chứng cứ, thể hiện sự trù dập nghiêm trọng đối với cán bộ, vi phạm nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật trong quá trình xác minh.
TS C. chỉ ra: Thứ nhất, mặc dù mục đích của kết luận này là “xác minh thông tin phản ánh về mối quan hệ giữa giảng viên và người học” nhưng toàn bộ nội dung của kết luận này chỉ nhằm đưa ra kết luận về giảng viên mà không đưa ra bất kỳ kết luận nào đối với những sinh viên đã vi phạm đạo đức và pháp luật.
Chẳng hạn, nội dung 1.1 kết luận “chưa đủ cơ sở để cho rằng giảng viên N.H.C đã quan hệ với nữ sinh Khoa Luật và làm sinh viên này mang thai, hay đe dọa, gạ tình với các nữ sinh trong Khoa như nội dung thông tin phản ánh trên các trang mạng xã hội”; nội dung 2.1 kết luận “chưa có đủ bằng chứng để khẳng định có sự vi phạm của giảng viên N.H.C trong việc chấm, đánh giá kiểm tra đối với sinh viên H.T.T.U”.
“Tuy nhiên, Khoa Luật không đưa ra bất kỳ kết luận nào đối với những đối tượng đã bịa đặt, vu khống tôi về những nội dung này, trong đó có hành vi của sinh viên H.T.T.U, mặc dù tôi đã đề nghị nhiều lần trong các đơn tố cáo gửi Khoa Luật (được Khoa Luật nhận lần lượt vào các ngày 11/6 và ngày 13/6) và trong các Biên bản làm việc lần 1 (ngày 29/6) và lần 4 (ngày 17/8/2018) với Tổ Công tác”- nam giảng viên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo giảng viên N.H.C, việc “xác minh” là việc “làm cho rõ sự thật qua thực tế và chứng cứ cụ thể”; là việc “tìm hiểu, thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứ từ những sự việc, hiện tượng xảy ra trong thực tế cuộc sống bằng những cách khác nhau để làm sáng tỏ sự thật về một vấn đề nào đó”.
Tuy nhiên, kết luận này được đưa ra không được dựa trên các bằng chứng đầy đủ, xác thực, khách quan từ cả hai phía (chẳng hạn, Kết quả lấy ý kiến phản hồi của lớp đối với giảng viên, không có Biên bản vi phạm của giảng viên) mà hoàn toàn dựa trên những bằng chứng không khách quan, phiến diện và không đầy đủ từ một phía (tin nhắn có dấu hiệu cắt xén và chưa được khẳng định từ phía giảng viên, lời chứng của một vài sinh viên, không tiến hành đối chất khi chứng cứ có dấu hiệu giả mạo hoặc mâu thuẫn).
“Do vậy, việc dựa trên các bằng chứng thiếu đầy đủ, có dấu hiệu sai lệnh, để đưa ra các kết luận là hành vi thể hiện sự quy chụp, suy diễn, có tính vu khống, trù dập, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” trong hoạt động thanh tra và xác minh”, TS C. nói.
Đồng tình với con trai, GS.TS Nguyễn Bá Diến cho rằng Khoa Luật đang đưa ra bản kết luận thiếu công tâm. Ảnh: Dân Việt |
Trả lời trên Dân Việt, GS.TS Nguyễn Bá Diến – Giảng viên cao cấp thuộc bộ môn Luật Quốc tế (Khoa Luật – ĐHQGHN) và là bố của nam giảng viên N.HC., cho biết, ông đã đọc toàn bộ kết luận về vụ việc liên quan đến con trai mình.
Đồng tình với những ý kiến mà giảng viên N.H.C đã đưa ra, GS Diến cho rằng Khoa Luật đã đưa ra một bản kết luận thiếu công tâm, thiếu khách quan và có biểu hiện trù dập gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của con trai mình. Theo quan điểm của ông, chắc chắn giảng viên N.H.C sẽ khiếu nại về toàn bộ nội dung bản kết luận này.
“Hơn 40 năm trong nghề và hơn 20 năm công tác tại Khoa Luật, đồng thời là một người cha dạy dỗ anh C., tôi thấy toàn những thông tin trên mạng như vậy mà Khoa Luật thụ lý, thành lập tổ thanh tra và đưa ra kết luận như vậy, tôi đánh giá là một chiều, không khách quan, mang tính trù dập một giảng viên trẻ, một nhà khoa học trẻ”, ông Diến nói.
Theo ông này, lãnh đạo Khoa Luật đã không tỉnh táo trong việc nắm bắt thông tin dư luận và bị tác động bởi những kẻ xấu cho nên đã có những đánh giá không khách quan.
“Tin nhắn đó có hay không, hay là cắt dán từ những năm trước, chỉ loanh quanh về việc mời nhau đi uống cà phê, uống bia, xem phim, chỉ mang tính chất giao tiếp bình thường. Huống hồ giảng viên N.H.C vẫn chưa lập gia đình. Việc thầy trò mời nhau đi cà phê, xem phim, nếu có thật đi chăng nữa sao lại cho đó là "quấy rối", "ứng xử chưa đúng mực trong mối quan hệ giữa thầy giáo và người học"?
Rồi việc bịa ra thông tin con trai tôi làm người khác có thai, đấy cũng chỉ là thông tin trên mạng mà Khoa Luật cũng thành lập tổ xác minh hơn 2 tháng, tôi thấy rất khó hiểu, thụ lý vụ việc, dù dưới hình thức nào, đều phải tuân thủ pháp luật về thanh tra của Nhà nước: phải dựa trên bằng chứng xác thực”, ông Diến nêu quan điểm.
Vị giảng viên cao cấp này cho rằng, trong vụ việc này con trai ông có nhiều bất lợi, mà lớn nhất là việc những sinh viên tố cáo có quyền thuê luật sư, nhưng giảng viên không có quyền đó.
“Về việc có thông tin con trai tôi cho điểm 1 một sinh viên, giờ không kết luận được, vậy có phải vu khống không? Rồi việc kết luận anh C. thường xuyên đi dạy muộn từ 15 đến 120 phút, vậy hệ thống thanh tra của Khoa Luật trước đến nay không hoạt động sao, vì hàng năm không có tên anh C. trong danh sách đi dạy muộn, nay lại kết tội đi muộn, mà lại đi muộn 120 phút. Vậy có thuyết phục không, có thì biên bản, bằng chứng đâu?”, ông Diến băn khoăn.
Ông Diến cũng cho biết thêm, ông không bênh vực ai, kể cả con ông. Nếu có sai phạm phải xử lý nhưng trên tinh thần khách quan, toàn diện, công tâm, thượng tôn pháp luật chứ không được một chiều, mang tính quy chụp.
Nguyễn Phượng(T/h)