Theo dự kiến, trong ngày mai (22/8), phía tổ xác minh Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có thông báo chính thức về kết quả xác minh vụ việc.
Liên quan đến sự việc một nhóm sinh viên Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tố thầy giáo N.H.C (giảng viên Bộ môn Tư pháp Quốc tế tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhắn tin "nhạy cảm" và có biểu hiện trù dập điểm thi, hôm nay (21/8), phía nhà trường đã có kết quả xác minh vụ việc. Dự kiến trong ngày mai (22/8) sẽ công bố kết quả.
Theo Dân Việt, ngày hôm qua (20/8) Khoa Luật đã tổ chức một cuộc họp lãnh đạo Khoa Luật mở rộng, thành phần tham dự gồm lãnh đạo khoa, các trưởng phòng, các trưởng bộ môn và tổ xác minh. Tại cuộc họp này, tổ xác minh vụ việc đã báo cáo kết quả và cho ý kiến về hướng xử lý.
Biên bản làm việc của tổ xác minh Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trí thức trẻ |
Cũng liên quan đến vụ việc, nữ sinh Hoàng Thị Thu U. - một sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội từng bị thầy C. nhắn tin quấy rối cũng chính thức lên tiếng sau nhiều lần bị chính nam giảng viên này “nêu tên” ở các diễn đàn.
Chia sẻ với Tiền Phong, sinh viên Hoàng Thị Thu U. khẳng định, cô không tố cáo thầy C. gạ gẫm, cô chỉ cảm thấy rất bức xúc việc thầy C. nhắc đến tên mình khi trả lời báo chí khiến dư luận chú ý và gây ảnh hưởng xấu đến bản thân. Trong đơn kiến nghị gửi lên lãnh đạo khoa, cô chỉ đề cập 3 việc:
Thứ nhất, thầy C. thường xuyên đi dạy muộn đến 1/3 thời lượng buổi học. Khi đến lớp, thầy còn khoe mẽ về bản thân khiến sinh viên phải cố gắng nghe cho qua chuyện. Thứ 2, thầy C. nhắn tin cho sinh viên nữ không đúng chuẩn mực. Thứ 3, thầy C. trù dập điểm sinh viên.
Nữ sinh này chia sẻ, mấy năm trước, thầy C. đề nghị kèm cặp cô trong học tập. Tuy nhiên sau đó, thầy muốn được trả công chứ không nhận cảm ơn suông. Không chỉ cô, nhiều bạn nữ cũng bị thầy nhắn tin với nội dung thiếu đứng đắn. “Chính em đã unfriend và không tiếp tục nói chuyện với thầy. Sau đó 2017, em đi học lớp Tư pháp quốc tế của thầy.
Nữ sinh Thu U., một trong những người liên quan đến vụ việc tố giảng viên Khoa Luật gạ gẫm sinh viên. Ảnh: Tiền Phong |
Vào một đêm trước kiểm tra giữa kì, thầy nhắn tin hỏi em có phải em tung tin thầy tán tỉnh em trong trường không và cảnh cáo em dừng lại. Sau đó em nhận con 1 duy nhất của lớp. Chuyện này xảy ra tháng 5/2017”, U. nói.
Nghĩ rằng mình bị thầy "trả thù" vì đã nói với một số bạn khác chuyện thầy từng nhắn tin không phù hợp với mình, U. liền mang bài kiểm tra đó đi tham khảo ý kiến của thầy cô khác trong khoa.
“Tuy nhiên em chỉ tham khảo như vậy để biết là mình bị oan chứ em không lên tiếng. Bởi vì em rất sợ. Em thân cô thế cô, chưa một lần thắc mắc bất kì điều gì ở khoa, cũng như những bạn sinh viên khác. Nếu không có lùm xùm lần này thì cũng không bao giờ em có cơ hội nói về câu chuyện của mình. Em cũng an tâm vì khoa Luật có phong trào đòi lại quyền lợi cho chúng em”, U. nhấn mạnh.
U. cũng cho biết, sau khi em có điểm học trình thấp nhất lớp, U. vẫn thi qua môn bình thường do thi vấn đáp gặp thầy khác. Câu chuyện tưởng như không còn được lật lại cho đến khi sinh viên khoa có phong trào phản đối những sai phạm của thầy C..
Như đã đưa tin trước đó, một sinh viên nữ đã gửi đơn kiến nghị tới lãnh đạo của Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) phản ánh về việc bị một thầy giáo nhắn tin "nhạy cảm" và có biểu hiện trù dập điểm thi.
Đồng thời, trên mạng xã hội, cụ thể là trang mạng Facebook SOL - VNU Confessions xuất hiện bài đăng của một sinh viên, chia sẻ việc được một thầy giáo nhắn tin mời cafe.
Ngay sau đó, hàng loạt sinh viên khác lên tiếng việc đã từng bị chính giảng viên này chủ động rủ đi uống bia, đi ăn, đi cafe, xem phim với nội dung tương tự.
Chia sẻ trên mạng xã hội, hầu hết các sinh viên nhận lời mời mọc đi ăn uống đều tỏ ra không thoải mái và cho rằng đây thực sự là một hành vi "quấy rối".
Thậm chí, đã có thông tin cho rằng người giảng viên tên C. thường lợi dụng tư cách giáo viên để làm quen, tán tỉnh nhiều bạn nữ của trường.
Được biết, hiện một trong những nữ sinh đứng ra tố cáo thầy C. đã thuê luật sư và ủy quyền cho luật sư trả lời những vấn đề liên quan. Trong đó, vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một sinh viên trong vụ việc chia sẻ với báo chí rằng, hiện ông đã có 3 công văn cung cấp chứng cứ và tài liệu cho tổ công tác của khoa Luật và đang đợi kết quả của tổ công tác này.
Nguyễn Phượng(T/h)