(ĐSPL) - Phần lớn ý kiến dư luận đều cho rằng, việcCục trưởng Cục Hàng không Malaysia “đổ thừa” cho Việt Nam về việc máy bay mất tích là vô lý, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp.
Không thể đổ trách nhiệm cho Việt Nam
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 2/5, Cục trưởng Cục Hàng không Malaysia, ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman cho rằng, Quản lý bay Việt Nam đã vi phạm giao thức liên hệ với chiếc máy bay mất tích.
Ông Abdul Rahman lý giải rằng, vào lúc 1h19 ngày 8/3, cơ quan quản lý bay Kuala Lumpur đã bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370 cho "vùng thông báo bay - FIR" TP. Hồ Chí Minh tại điểm Igari (điểm xác định là máy bay biến mất khỏi màn hình radar). Bình thường, 5 phút sau Việt Nam phải trả lời nhưng thực tế đến 1giờ 38 phút, phía Việt Nam mới thông báo không nhận được tín hiệu của MH370 trên màn hình radar. Malaysia cho rằng tại thời điểm bàn giao, MH370 đã ở biển Đông nên máy bay đã chính thức thuộc trách nhiệm của quản lý bay Việt Nam.
|
Ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman. |
Trước thông tin trên, trao đổi với báo giới ngày 3/5, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, ông chưa nhận được thông tin phản hồi chính thức của Cục Hàng không Malaysia mà chỉ thông qua báo chí trong và ngoài nước.
“Thông thường khi giới chức hàng không các nước có báo cáo lên ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế) cũng sẽ gửi một bản cho giới chức hàng không nước có liên quan. Khi nào nhận được báo cáo chính thức của Malaysia về vụ việc này, chúng tôi mới có thể phản hồi chính thức”, ông Thanh nói
Về phát ngôn của phía Malaysia, ông Thanh khẳng định, thời điểm phía quản lý bay Malaysia bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370 cho Việt Nam, cả hai cơ quan quản lý bay đều không thể xác định được máy bay đã đi qua điểm Igari để vào vùng FIR Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý chưa.
Cơ quan quản lý bay của Việt Nam và Malaysia đều mất tín hiệu của chuyến bay này trên màn hình radar. Ngay thời điểm phía Malaysia bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370 cho đối tác Việt Nam và tín hiệu chuyến bay biến mất trên màn hình radar có thể phi công đã chuyển hướng bay, không vào vùng FIR Hồ Chí Minh nên không thể cho rằng Việt Nam phải có trách nhiệm với chuyến bay MH370.
Malaysia đổ lỗi cho Việt Nam để xoa dịu dư luận quốc tế?
Vụ việc máy bay MH370 mất tích cùng 239 người (gồm hành khách và phi hành đoàn) vốn nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận Việt Nam, bởi thế, ngay sau thông tin trên, trên các diễn đàn mạng ngay lập tức xuất hiện rất nhiều ý kiến bức xúc.
|
Một nghệ sỹ Ấn Độ đắp hình chuyến bay MH370, cầu nguyện cho các hành khách và phi hành đoàn - Ảnh: Reuters. |
“Trong một quãng thời gian dài từ khi xuất hiện thông tin máy bay mất tích, phía Việt Nam đã rất nỗ lực tham gia cứu hộ. Thế nhưng, đáng lẽ phải cảm ơn, Cục trưởng Cục Hàng không Malaysia lại đổ lỗi trách nhiệm cho Việt Nam. Tôi cho rằng đây là hành động thiếu chuyên nghiệp, nếu không muốn nói là vô ơn”, độc giả có tên Đông Hùng bức xúc.
Cùng ý kiến, độc giả Thu Hoài cũng cho rằng, cách hành xử của phía Malaysia rất đáng buồn. “Hết đổ lỗi vì nguyên nhân này lại đổ lỗi vì nguyên nhân khác, thật đáng buồn cho cách hành xử phía Malaysia. Đáng lẽ, lúc này, nhiệm vụ tiên quyết là họ phải cố gắng tìm kiếm máy bay cùng 239 người chứ không phải ngồi một chỗ mà quy kết trách nhiệm”, độc giả Thu Hoài nhấn mạnh.
Ngoài việc bày tỏ bức xúc, nhiều độc giả còn đặt nghi vấn, có "uẩn khúc" phía sau phát ngôn của phía Malaysia. “Tại sao sau gần 2 tháng, phía Malaysia mới đưa ra ý kiến này. Lẽ ra, nếu đúng, họ phải phát biểu ngay khi máy bay MH 370 mất tích. Phải chăng họ có toan tính gì khác, như việc giảm sức ép, đánh lạc hướng dư luận quốc tế chẳng hạn”, độc giả Bình Minh hoài nghi.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-may-bay-mat-tich-malaysia-do-loi-cho-viet-nam-a31643.html